Khoa Luật học

Sinh hoạt khoa học “Những biến đổi xã hội và hình phạt”

Ngày đăng: 11/08/2015 | Lượt xem: 1697

Ngày 29 tháng 7 năm 2015, Học viện Khoa học xã hội đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: “Những biến đổi xã hội và hình phạt”. NCS. Võ Khánh Linh,  Trợ lý Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội được mời làm diễn giả.

 

NCS. Võ Khánh Linh, Trợ lý Khoa Luật thuyết trình về vấn đề nghiên cứu

 

Trong bài thuyết trình của mình, diễn giả đã giới thiệu về tình hình nghiên cứu xã hội học hình phạt tại Việt Nam. Theo đó, các nghiên cứu về biến đổi xã hội lại xuất phát chủ yếu từ phương diện xã hội học, với tư cách là một đối tượng nghiên cứu quan trọng. Những nghiên cứu về biến đổi xã hội từ khía cạnh luật học phần lớn đều xuất phát từ cách tiếp cận về phương diện thực tiễn mà ít chú trọng về phương diện lý luận. Trong lĩnh vực khoa học luật hình sự hiện nay, việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa biến đổi xã hội với hình phạt vẫn còn khiêm tốn và chưa có nhiều công trình nghiên cứu một trách trực hệ về vấn đề này.

Tiếp đó, diễn giả đã giới thiệu hai công trình nghiên cứu tiêu biểu về xã hội học pháp luật được xuất bản trong thời gian gần đây, được xem như những tài liệu học thuật quan trọng, được diễn giả sử dụng làm cơ sở phương pháp luận cho việc luận giải sâu sắc, bài bản mối quan hệ giữa biến đổi xã hội và hình phạt (“Xã hội học pháp luật: những vấn đề cơ bản” của GS.TS. Võ Khánh Vinh và “Xã hội học pháp luật” của tác giả Ngọ Văn Nhân).

Trong bài thuyết trình của mình, NCS. Võ Khánh Linh đã đưa ra khái niệm về biến đổi xã hội. Theo diễn giả, “biến đổi xã hội là một quá trình xã hội, thể hiện sự thay đổi một cách căn bản, hệ thống từ ý thức xã hội dẫn đến những hành vi xã hội của con người qua một khoảng thời gian nhất định”. Từ đó, diễn giả xác định các thuộc tính của biến đối xã hội, như: tính quá trình, tính quyết định bởi con người, tính quy mô, tính hệ quả.


Các cử toạ tham dự buổi sinh hoạt khoa học

 

Phần tiếp theo của buổi sinh hoạt khoa học, diễn giả tập trung trình bày mối quan hệ giữa biến đổi xã hội và nội dung của hình phạt. Theo đó, nội dung của hình phạt ở đây được hiểu là nội dung cụ thể của từng loại hình phạt, nội dung cụ thể của từng hình phạt đối với từng tội phạm nhất định. Nội dung của hình phạt được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm bản chất và tính mục đích của hình phạt; mối quan hệ giữa những biến đổi xã hội và hình phạt đặt ra những vấn đề cần làm sáng tỏ như: những biến đổi gì trong quá trình xã hội có thể tác động tới nội dung của hình phạt; sự tác động của nội dung, bản chất, tính mục đích của hình phạt có gây nên những biến đổi xã hội hay không; cơ chế tác động giữa các điều kiện xã hội với nội dung của hình phạt; Theo diễn giả, việc luận giải mối quan hệ giữa những biến đổi xã hội và hình phạt phải được lập luận trên căn cứ khoa học tính quyết định xã hội của hình phạt, từ đó, mới có thể làm sáng tỏ nội dung tác động và cơ chế tác động giữa những biến đổi xã hội và hình phạt.

Các hiện tượng, điều kiện xã hội được coi là biến đổi xã hội, hoặc là nhân tố thúc đẩy quá trình biến đổi xã hội có khả năng tác động, ảnh hưởng tới nội dung, bản chất, tính mục đích của hình phạt có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, nền tảng hạ tầng kinh tế. Quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác thì sự thay đổi của nền tảng cơ sở hạ tầng kinh tế sớm hay muộn sẽ dẫn đến sự thay đổi tương ứng của kiến trúc thượng tầng, của hệ thống pháp luật, trong đó có hình phạt trong pháp luật hình sự. Các tờ trình, dự thảo, thuyết minh của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) luôn dẫn chứng sự diễn biến, phát triển của nền kinh tế là một căn cứ cho việc cần sửa đổi Bộ luật hình sự

Thứ hai, tình hình tội phạm. Tình hình tội phạm là một khái niệm thuộc về tội phạm học. Tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội, mà ở đó, sự diễn biến của nó (thể hiện qua các thông số tình hình tội phạm) cho thấy sự biến đổi phức tạp của thực tiễn xã hội, và vì vậy, nhất thiết sẽ ảnh hưởng đến nội dung, bản chất, tính mục đích của hình phạt. Ví dụ: hình phạt tiền tăng từ 500.000 lên đến 2.000.000 đồng, các tội phạm tham nhũng và kinh tế đòi hỏi phải tăng nặng hình phạt tiền…

Thứ ba, ý thức xã hội, ý thức pháp luật và ý thức về các chế tài pháp lý (hình phạt). Đây được hiểu là khả năng nhận thức, phản ánh của con người về nội dung, bản chất, tính mục đích của hình phạt. Không chỉ vậy, những thái độ tâm lý này có thể được tham khảo với tư cách là những phản biện xã hội đối với nội dung của hình phạt hướng tới khả năng hiện thực hoá hiệu quả của hình phạt hay không.

Thứ tư, giá trị xã hội và định hướng giá trị xã hội. Các giá trị xã hội có thể bao gồm các giá trị đạo đức, giá trị về hành vi, cư xử hợp pháp, giá trị về tôn giáo… Về cơ bản, trong mọi đời sống xã hội luôn có tồn tại các giá trị xã hội, và những giá trị này không là bất biến. Sự vận động của hiện thực xã hội luôn kéo theo sự biến đổi của các giá trị xã hội, qua đó có thể làm thay đổi hẳn các nội dung, bản chất, tính mục đích của hình phạt. Ví dụ: chế độ phong kiến với các hệ giá trị phong kiến, các hình phạt tử hình với hình thức man rợ vô nhân đạo được áp dụng triệt để với mục đích phi nhân đạo.

Theo diễn giả, dưới góc độ lý luận cũng như thực tiễn, không một loại hình phạt hay hệ thống hình phạt nào không chịu sự ảnh hưởng của những biến đổi xã hội. Nhưng cũng không thể tuyệt đối hoá việc bất kỳ một sự thay đổi nào diễn ra trong hiện thực xã hội cũng hướng tới sự thay đổi, bãi bỏ trong hệ thống hình phạt. Những biến đổi xã hội và các loại hình phạt, hệ thống hình phạt là mối quan hệ có tính mâu thuẫn lẫn nhau giữa sự ổn định và tính biến đổi (bất ổn định). Sự biến đổi xã hội về cơ bản sẽ là yếu tố tất yếu dẫn đến sự thay đổi về hình phạt, hệ thống hình phạt. Nhưng xét ở khía cạnh ngược lại, với tư cách là một chế định của một ngành luật quan trọng, pháp luật hình sự luôn cần duy trì sự ổn định, bất biến một cách hợp lý.

Vì vậy, cần xác định, rõ các yếu tố mang tính quyết định tới tính ổn định, tính biến đổi của loại hình phạt, hệ thống hình phạt thông qua sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của các biến đổi xã hội. Các biến đổi xã hội gây nên những kết quả nào đối với thực tế xã hội thì những kết quả đó là những yếu tố mang tính quyết định tới tính ổn định, tính biến đổi của loại hình phạt, hệ thống hình phạt. Theo diễn giả, mọi quốc gia nào đều mong muốn hệ thống pháp luật của mình có tính ổn định và bền vững cao, và vì vậy hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự cũng phải thoả mãn những mong muốn đó. Nhưng trong thời đại hiện nay, các quốc gia luôn phải đối diện với những biến đổi xã hội khó lường gắn liền với quá trình phát triển, cho nên tính bất ổn định của các loại hình phạt, hệ thống hình phạt là một đòi hỏi tất yếu. Để giảm thiểu tính bất ổn định đó, nhà làm luật phải tăng cường tính ổn định của các loại hình phạt, hệ thống hình phạt trong khâu xây dựng hệ thống và các loại hình phạt; tăng cường tính ổn định còn được thể hiện thông qua khả năng hiểu rõ và dự báo các biến đổi xã hội, tích cực chủ động sử dụng các biện pháp chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội để ứng phó với những biến đổi đó. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tuyệt đối hoá, bảo thủ với sự ổn định, không chịu thay đổi. Khi những điều kiện hoàn toàn khách quan đã phủ nhận tính ổn định, tính không hợp lý của bất kì loại hình phạt, hệ thống hình phạt nào trong hệ thống pháp luật, chúng ta cần chủ động sửa đổi hoặc thậm chí bãi bỏ nó.

Sau phần thuyết trình của NCS. Võ Khánh Linh, các cử tọa đã trao đổi cùng diễn giả một số vấn đề liên quan đến xã hội học hình phạt, như vấn đề sử dụng phương pháp thống kê xã hội học để nâng cao tính thuyết phục của đề tài nghiên cứu (ý kiến của PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh), cũng như tham khảo một số nghiên cứu của học giả nước ngoài về xã hội học hình phạt (PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn).

                                                   

                        Tin và ảnh: Nguyễn Quân