Thông tin về hợp tác quốc tế

GS.TS. Phạm Văn Đức trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc nhân dịp Trung Quốc tổ chức Hội nghị đối thoại văn minh châu Á tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Ngày đăng: 22/05/2019 | Lượt xem: 3679

Nhân sự kiện “Hội nghị đối thoại văn minh Châu Á” diễn ra ngày 15/05/2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, GS.TS. Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội đã có bài trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc về những vấn đề xoay quanh chủ đề của Hội nghị.

 

Theo GS.TS. Phạm Văn Đức, Đối thoại văn minh châu Á được cộng đồng thế giới hết sức quan tâm bởi bởi châu Á ngày nay được nhìn nhận khác so với trước đây. Châu Á bao gồm nhiều quốc gia nhưng sự phát triển, văn hóa, chế độ chính trị của quốc gia lại khác nhau, vì vậy việc tổ chức Hội nghị lần này là một cơ hội để khuếch trương, đánh giá vai trò, tầm quan trọng của châu Á đối với thế giới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để khẳng định sự đặc biệt của văn minh châu Á mà châu Âu cũng như các châu lục khác cần quan tâm, tìm hiểu. Đây cũng là cơ hội đối với mỗi quốc gia châu Á khi tham dự hội nghị này hiểu nhau trên cơ sở tăng cường sự hợp tác và xóa dần các xung đột hiện có. Sự hiểu biết về văn hóa, văn minh làm tiền đề cho hợp tác phát triển kinh tế. 

GS.TS. Phạm Văn Đức trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc

GS.TS. Phạm Văn Đức cho rằng việc Việt Nam tham gia Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi với tư cách là một quốc gia trong Châu Á, nhân cơ hội này Việt Nam có thể quảng bá được văn hóa của mình, từ đó hi vọng cộng đồng trong khu vực và thế giới biết tới đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam nhiều hơn đồng thời đây cũng là cơ hội để so sánh văn hóa cũng như sự phát triển của Việt Nam với các nước khác trong khu vực Châu Á. Khi có được sự quan tâm và sự hiểu biết về Việt Nam thì Việt Nam sẽ có điều kiện để phát triển hơn nữa.

Trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo GS.TS. Phạm Văn Đức, mối quan hệ này đã có bước phát triển và đang diễn ra thuận lợi. Việt Nam và Trung Quốc đã có sự hiểu biết lẫn nhau dựa trên những nét tương đồng trong văn hóa tuy nhiên mỗi dân tộc sống trong bối cảnh lịch sử,  kinh tế, văn hóa xã hội khác nhau sẽ có những điểm khác biệt. Do đó, để cùng phát triển thì hai quốc gia phải có sự tăng cường hiểu biết lẫn nhau hơn nữa. Trong xu hướng hiện nay, nhiều trường Đại học, nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành giao lưu quan trọng về mặt văn hóa, giáo dục, thông qua sự giao lưu đó hi vọng sẽ mở đường cho sự phát triển cao hơn trong thời gian tới.

Đánh giá vai trò của văn hóa phương Đông trong tiến trình phát triển văn hóa nhân loại, Giáo sư cho rằng văn hóa phương Đông ngày càng có vai trò quan trọng. Trước đây, ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác cùng có quan niệm sai lầm rằng phương Tây luôn cao hơn phương Đông và phải luôn học hỏi phương Tây, nhưng trong những năm gần đây, quan niệm này đã có những thay đổi bởi người ta cho rằng mỗi một nền văn hóa có những đặc sắc riêng và không có văn hóa nào cao hơn văn hóa nào. Cùng với sự phát triển kinh tế của các nước Châu Á, đặc biệt của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…nhiều nhà khoa học phương Tây muốn tìm hiểu về văn minh, bí ẩn của văn hóa phương Đông. Ngay trong lĩnh vực triết học, nhiều người phương Tây muốn tìm hiểu triết học phương Đông. Triết học phương Đông tuy không chặt chẽ như triết học phương Tây nhưng lại rất sâu sắc, phản ánh cuộc sống năng động của con người chứ không phân chia một cách rạch ròi như phương Tây.

Kết thúc bài phỏng vấn, GS. Phạm Văn Đức khẳng định, mỗi nền văn hóa có một đặc trưng và bổ sung cho nhau. Văn hóa nảy sinh trên cơ sở kinh tế xã hội của từng quốc gia, của từng dân tộc phương Đông và phương Tây, vì vậy phải chia sẻ và tiếp thu lẫn nhau. Tuy nhiên cũng cần phải lựa chọn những yếu tố phù hợp với điều kiện phát triển của từng xã hội, từng dân tộc để tiếp thu nếu không cũng sẽ bị chính xã hộ đó đào thải.

Tin: Tuyết Mai

Ảnh: Võ Thương

In bài viết