Thông tin về hợp tác quốc tế

Báo The Kyunghyang Shinmun (Hàn Quốc) phỏng vấn GS.TS. Phạm Văn Đức trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Việt Nam

Ngày đăng: 07/03/2019 | Lượt xem: 2514

Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra vào ngày 28/2/2019 tại Hà Nội (Việt Nam). Nhà báo Jemin Son (Thời báo The Kyunghyang Shinmun, Hàn Quốc) đã có cuộc phỏng vấn GS.TS. Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội. GS.TS. Phạm Văn Đức đã gây ấn tượng với cách trả lời súc tích, ngắn gọn thể hiện sự sâu sắc của một nhà nghiên cứu Triết học hàng đầu Việt Nam hiện nay.

 

       Cuộc phỏng vấn đã đề cập tới các vấn đề xung quanh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam; mối quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên và mô hình phát triển của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Cụ thể:

       Nói về lý do của Việt Nam được lựa chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Mỹ và Triều Tiên, GS. TS. Phạm Văn Đức cho rằng Việt Nam là quốc gia hòa bình, có an ninh tốt, có quá trình đổi mới thành công; đồng thời, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong những năm qua đã được nâng cao. Nhiều hoạt động Quốc tế có uy tín đã được tổ chức thành công ở Việt Nam. Và đặc biệt, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao lâu dài với cả 2 quốc gia Mỹ và Triều Tiên vì vậy thông qua cuộc gặp thượng đỉnh lần này, phía Mỹ cũng muốn Triều Tiên tìm hiểu thêm các kinh nghiệm của Việt Nam trong những năm qua.

       Trong quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên, GS.TS. Phạm Văn Đức đã khẳng định đây là mối quan hệ lịch sử và lâu đời. Mối quan hệ vừa là anh em, vừa là đồng chí đã được chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ tịch Kim Nhật Thành xây dựng. Tuy nhiên, Việt Nam và Triều Tiên cùng mục tiêu theo con đường XHCN nhưng cách thức và phương tiện thực hiện lại khác nhau. Trong khi Việt Nam hướng tới mở cửa, phát triển kinh tế và dân chủ hóa thì Triều Tiên vẫn hoạt động theo hướng kế hoạch hóa, bao cấp trong thế bị bao vây cấm vận. Vì vậy, giữa Triều Tiên và Việt Nam có sự hạn chế trong hợp tác và phát tiển.

       Đối với việc học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xóa bỏ bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế, GS.TS. Phạm Văn Đức nhấn mạnh, học tập kinh nghiệm chỉ để tham khảo, còn nếu áp dụng y nguyên thì Triều Tiên sẽ thất bại. Bởi bối cảnh lịch sử cũng như môi trường quốc tế tại thời điểm thực hiện việc xóa bỏ cấm vận, mở rộng quan hệ của mỗi quốc gia là khác nhau. Do đó, Triều Tiên phải nghĩ ra cách thức của mình, phải tự đưa ra quyết định của mình trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác. Xu hướng thế giới hiện nay là hòa bình, hợp tác, hữu nghị dựa trên cơ sở đối thoại, cho nên theo Giáo sư, việc xóa bỏ cấm vận đối với Triều Tiên so với trước đây là thuận lợi hơn.

GS.TS. Phạm Văn Đức trả lời phỏng vấn báo The Kyunghyang Shinmun

       Đối với việc Triều Tiên có cơ hội để bình thường hóa quan hệ với Mỹ hay không, Giáo sư khẳng định: bình thường hóa quan hệ không phải là một quá trình dễ dàng nhưng với một người năng động và có tư duy hướng ngoại như Chủ tịch Kim Jong-un chắc chắn ông sẽ có mục tiêu rõ ràng trong cách lãnh đạo đất nước. Lịch sử sẽ ghi nhận những nỗ lực của ông trong kế hoạch và quyết tâm thực hiện quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác thông qua đối thoại. Tuy nhiên, hiện nay Triều Tiên đang e ngại việc nếu giải trừ quân bị (tức là bỏ võ khí hạt nhân) thì có thể ảnh hưởng đến “sự an toàn thể chế của Triều Tiên”, chính quyền của chủ tịch Kim Yong-Un không thể tồn tại được. Do đó, để bình thường hóa các mối quan hệ một cách êm đẹp thì phía Mỹ và các nước lớn phải đảm bảo rằng dù xóa bỏ vũ khí hạt nhân nhưng vẫn phải đảm bảo chính quyền, đảm bảo thể chế của Triều Tiên được giữ vững. Nếu đòi Triều Tiên xóa bỏ vũ khí hạt nhân trước, sau đó Mỹ và các nước mới có chính sách nhất định để dỡ bỏ cấm vận Triều Tiên thì rất khó chấp nhận. Giáo sư đã nhấn mạnh vào “lòng tin chính trị” giữa Triều Tiên và Mỹ, và nếu không có lòng tin chính trị thì rất khó có thể nói đến xóa bỏ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên và vấn đề xóa bỏ cấm vận.

       Bên cạnh đó, Nhà báo Jemin Son đã đặt câu hỏi về “mô hình của Việt Nam” mà Triều Tiên có thể học hỏi, GS.TS. Phạm Văn Đức đã chỉ ra quan điểm của Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay đó là Nhìn thẳng sự thật, nói thẳng sự thật, vận dụng quy luật khách quan của của sự phát triển xã hội; qua đó, Giáo sư đã chỉ ra rằng, mô hình của Việt Nam trước hết là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thứ hai là xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, thực hiện dân chủ, thực hiện công bằng xã hội trong từng bước đi, từng giai đoạn phát triển. Do vậy, các nội dung mà Triều Tiên có thể tham khảo và vận dụng trong mô hình của Việt Nam trước hết là phát triển kinh tế thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước; thứ hai là đổi mới về chính trị phù hợp với sự phát triển kinh tế, xây dựng nhà nước của dân trên cơ sở mở rộng dân chủ; thứ ba là thực hiện công bằng xã hội, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và cuối cùng là xóa bỏ bao vây cấm vận mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

       Cuộc phỏng vấn còn đề cập đến nguyện vọng thống nhất của bán đảo Triều Tiên, GS. Phạm Văn Đức khẳng định đó chính là mong muốn chính đáng của nhân dân Triều Tiên cũng như Hàn Quốc, đồng thời là xu thế tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, sự thống nhất của hai miền Triều Tiên không thể giống Việt Nam vì chi phí thống nhất thông qua chiến tranh là một cái giá rất đắt. Thống nhất thông qua sự đoàn kết, đối thoại và khoan dung là cách thức tốt nhất, giá trị nhất trong tiến trình phát triển. Trong tiến trình tiến tới thống nhất này, vai trò của Hàn Quốc đặc biệt quan trọng. Giáo sư cũng nhấn mạnh vai trò to lớn của riêng cá nhân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong nỗ lực đưa Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau. Nếu 2 bán đảo được thống nhất thì đây là một điều cực kỳ tốt bởi Hàn Quốc thì mạnh về kinh tế còn Triều Tiên thì mạnh về quân sự. Đặc biệt, tính kỷ luật của con người Triều Tiên rất cao, nếu phát huy được đức tính này trong xây dựng đất nước, phát triển kinh tế thì Triều Tiên sẽ nhanh chóng phát triển.

       Câu hỏi cuối cùng của Thời báo Kyunghyang Shinmun liên quan đến mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam, nhà báo Jemin Son đã đặt câu hỏi về vấn đề dư luận Hàn Quốc đang tranh luận gay gắt về những gì quân đội Hàn Quốc đã thực hiện ở Việt Nam trong giai đoạn thống nhất đất nước của Việt Nam. GS.TS. Phạm Văn Đức cho rằng những vấn đề lịch sử rất khó để vượt qua nhưng với phương châm đóng lại quá khứ, mở cửa tương lai của nhân dân Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam thì vấn đề thực hiện các hành động thực tế, giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển quan trọng hơn những tuyên bố hoặc lời xin lỗi có tính ngoại giao. Việc nhắc lại sự kiện đó chỉ có ý nghĩa duy nhất là không nên mắc lại những sai lầm đó.

       Kết thúc buổi phỏng vấn, nhà báo Jemin Son gửi lời cảm ơn sâu sắc tới GS.TS. Phạm Văn Đức; đồng thời đưa ra nhận định rằng, các ý kiến của GS.TS. Phạm Văn Đức đã cung cấp cái nhìn mới so với những thông tin mà ông đã tiếp cận ở nước khác. Những thông tin này sẽ ảnh hưởng đến định hướng và nhìn nhận vấn đề của Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Với tư cách một nhà báo, ông Jemin Son cho rằng, cần có những mối quan hệ giao lưu về mặt học thuật giữa 2 nước để có thể đưa nhiều thông tin tới các học giả nhiều hơn.


 


 

 

Tin: Ngọc Toàn

Ảnh: Mỹ Hiền