Ngày đăng: 18/05/2017 | Lượt xem: 938 Ngày 17 tháng 5 năm 2017, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Khoa Công tác xã hội, Học viện Khoa học xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Hướng nghiên cứu mới về Công tác xã hội tại Anh Quốc”. Tham dự Tọa đàm gồm có GS. TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới; TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới; TS. Hà Thị Thư, Phó Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội; TS. Nguyễn Ngọc Toàn, Trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế cùng các nhà nghiên cứu khoa học, các giảng viên, học viên, các cán bộ chuyên trách của Học viện Khoa học xã hội và một số trường Đại học có đào tạo về Công tác xã hội tham dự. GS.TS. Nguyễn Hữu Minh phát biểu khai mạc Tọa đàm Phát biểu khai mạc, GS. TS. Nguyễn Hữu Minh vui mừng chào đón Giáo sư Hugh McLaughlin và Giảng viên cao cấp Jo-Pei Tan - hai diễn giả chính đến từ Khoa Sức khỏe, Tâm lý và Chăm sóc xã hội thuộc Trường Đại học Manchester Metropolitan (MMU) đã đến trình bày về các hướng nghiên cứu mới, các vấn đề về phương pháp luận của Công tác xã hội và giới thiệu quy trình đào tạo các nhà nghiên cứu công tác xã hội tại Anh Quốc. Có thể nói, nghề công tác xã hội ở Anh Quốc và Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, đặc biệt là trong việc đào tạo các nhân viên, các nhà nghiên cứu công tác xã hội. Chính vì vậy, tọa đàm là một cơ hội rất hữu ích cho các học giả, giảng viên và học viên của Việt Nam trao đổi, cập nhật các thông tin và tiếp cận với các hướng nghiên cứu và đào tạo trong công tác xã hội. GS. Hugh McLaughlin chia sẻ về nghiên cứu công tác xã hội tại Anh Quốc với các đại biểu tại buổi Tọa đàm Tại buổi Tọa đàm, GS. Hugh McLaughlin đã trình bày những đặc điểm, phương pháp luận, phương pháp tiếp cận về công tác xã hội tại Anh Quốc. Trong đó, GS cũng chia sẻ một nghiên cứu khảo sát trên 200 học viên, giảng viên, nhà nghiên cứu công tác xã hội tại Anh Quốc nhằm tìm hiểu suy nghĩ, các đặc thù về công việc, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu của họ. Nghiên cứu áp dụng các hình thức phỏng vấn qua điện thoại, sử dụng phương pháp hỗn hợp giữa định lượng và định tính để phân tích. Một loạt các thử nghiệm mẫu ghép cặp đã được sử dụng để xác định liệu có sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế về việc sử dụng thời gian dành cho nghiên cứu, giảng dạy và công tác quản lý... Kết quả cho thấy, hầu hết trong số họ dành ít thời gian cho các hoạt động nghiên cứu so với hoạt động giảng dạy và công tác quản lý; do vậy, cần có nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng chia sẻ các hướng nghiên cứu mới về Công tác xã hội như: Sự tham gia của người sử dụng dịch vụ trong nghiên cứu; các nghiên cứu dựa trên chứng cứ - thực hành dựa trên bằng chứng; Thực hành gần với nghiên cứu; Sử dụng các phương pháp nghệ thuật vào nghiên cứu công tác xã hội; Nghiên cứu về LGBT (Cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới) và các nhu cầu công tác xã hội khác… Tiếp đó, TS. Jo-Pei Tan trong bài trình bày của mình đã chỉ ra những khác biệt giữa hai khái niệm nghề nghiệp “Công tác xã hội” và “Chăm sóc xã hội” tại Anh Quốc; đồng thời, giới thiệu sơ lược hệ thống giáo dục, đào tạo đại học và sau đại học về công tác xã hội. Qua đó, giúp mọi người nhận biết được lộ trình để đạt học vị tiến sĩ và trở thành chuyên gia công tác xã hội. Ví dụ như ở Anh Quốc có 3 cách để học tiến sĩ: (1) PhD (traditional research route) – lộ trình theo kiểu truyền thống, học và phát triển nghiên cứu từ bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; (2) DSW/Professional Doctorate/EdD - Tiến sĩ thực hành; (3) PhD by Publication – học viên phải có ít nhất 07 bài báo cùng chủ đề được đăng tải trên các tạp chí có uy tín và nộp vào trường đại học để được công nhận học vị tiến sĩ. TS. Hà Thị Thư phát biểu tại buổi tọa đàm Buổi Tọa đàm khoa học đã tạo ra không khí cởi mở, thu hút sự quan tâm và tìm hiểu của các đại biểu tham dự. Nhiều câu hỏi về kinh nghiệm và sự khác biệt liên quan tới các chủ đề đang rất được chú ý ở Việt Nam đã được đặt ra, như: Lạm dụng tình dục trẻ em, chăm sóc cuối đời cho người già và người bị bệnh, chăm sóc cho những người bị nghiện, các phương pháp tiếp cận với nghiên cứu dựa trên bằng chứng… Học viện Khoa học xã hội sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác để kết nối các nhà khoa học, cập nhật và phát hiện các vấn đề nghiên cứu mới, từ đó đưa ra giải pháp hữu ích cho các vấn đề mới của xã hội hiện nay. Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Tin: Diệu Linh Ảnh: Mai Hoa In bài viết Chia sẻ
Học viện Khoa học xã hội trao đổi hợp tác nghiên cứu và đào tạo với Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Trao đổi khoa học: phần mềm phân tích dữ liệu định tính Taguette trong nghiên cứu khoa học GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tham dự Diễn đàn Đối thoại chiến lược Think Tank Trung Quốc và ASEAN lần thứ 11 và làm việc với Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc. Đại sứ nước Cộng hoà Cu Ba đến thăm và làm việc tại Học viện Khoa học xã hội Học viện Khoa học xã hội ký Biên bản Thoả thuận hợp tác với Trường Chang Jung Christian University (Đài Loan) Khai mạc Khoá học mùa hè về Khoa học xã hội năm 2017 với chủ đề “Sông và Đồng bằng ở Đông Nam Á” Tọa đàm khoa học: “Chủ nghĩa Thể chế trong Kinh tế học” Học viện Khoa học xã hội trao đổi, nghiên cứu về một số vấn đề dân chủ tại các trường Đại học tại Hoa Kỳ