Hợp tác đào tạo

Khóa học ngắn hạn “Sự phát triển của Chủ nghĩa Mác - Lênin tại Việt Nam” cho các học giả đến từ trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây, Trung Quốc

Ngày đăng: 19/08/2019 | Lượt xem: 2219

Nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về những vấn đề lịch sử và phát triển của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của Chủ nghĩa Mác - Lênin tại Việt Nam, từ ngày 4/8/2019 đến ngày 7/8/2019 Học viện Khoa học xã hội (GASS) đã phối hợp với Tập đoàn giáo dục Toàn cầu, Việt Nam (GES) và Trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây, Trung Quốc tổ chức khóa học ngắn hạn về “Sự phát triển của Chủ nghĩa Mác - Lênin tại Việt Nam” cho các học giả của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây.

 

Tham gia khóa học này có 13 học giả là các thầy cô giáo của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây do PGS.TS. Trương Á Trạch, Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Sư phạm Thiểm Tây làm trưởng đoàn. Các giảng viên của khóa học là những thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn như: GS.TS. Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội; TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm; GS.TS. Đỗ Tiến Sâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông, Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Hoàng Huệ Anh - Phòng Nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

GS.TS. Phạm Văn Đức phát biểu tại buổi lễ khai mạc khóa học.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc khóa học, GS.TS. Phạm Văn Đức cho rằng khóa học ngắn hạn “Sự phát triển của Chủ nghĩa Mác - Lênin tại Việt Nam” rất có ý nghĩa. Chương trình của khóa học nhằm đưa ra các vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác trên sự so sánh các khía cạnh thực tiễn, kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam và Trung Quốc. Những nhận thức này là nền tảng, là điều kiện cơ bản giúp Việt Nam và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn trên con đường phát triển chung. Đối với các khóa học ngắn hạn này, Học viện đã hân hạnh được đón tiếp các bạn sinh viên Trung Quốc của trường Đại học Diên An, trường Đại học Công nghiệp Tây Bắc và đặc biệt lần này được vinh dự đón tiếp các học giả của trường Đại học Sư phạm Quảng Tây. GS.TS. Phạm Văn Đức hi vọng rằng, trong tương lai sẽ được đón tiếp thêm các học giả cũng như sinh viên của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây nói riêng và của các trường ở Trung Quốc nói chung.

Nằm trong chương trình của khóa học lần này, Tọa đàm khoa học “Sự vận dụng chủ nghĩa Mác tại Việt Nam và Trung Quốc” đã được tổ chức vào ngày 5/8/2019. Tọa đàm do GS.TS. Phạm Văn Đức, GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, PGS.TS. Trương Á Trạch, GS.TS. Dương Bình cùng chủ trì, với sự tham gia của các học giả của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây và các học giả đến từ Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Con người, Học viện Khoa học xã hội.

GS.TS. Phạm Văn Đức và PGS.TS. Trương Á Trạch chủ trì tại buổi Tòa đàm.

GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn và GS.TS. Dương Bình chủ trì tại buổi Tọa đàm.

Tọa đàm 4 phiên làm việc, bao gồm:

Phiên 1: Kinh nghiệm vận dụng chủ nghĩa Mác tại Việt Nam và Trung Quốc gồm các nội dung liên quan đến những vấn đề về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện của Việt Nam và kinh nghiệm trong quá trình vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời đại mới.

Phiên 2: Vấn đề mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc gồm các nội dung về mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và mô hình chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới.

Phiên 3: Vấn đề dân chủ và xây dựng Đảng đã làm rõ các vấn đề dân chủ và phát huy dân chủ ở Việt Nam từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay và các vấn đề lý luận, thực tiễn của vấn đề chống chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa quan liêu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Phiên 4: Vấn đề giáo dục và phát huy chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc và Việt Nam được thể hiện qua các nội dung về quan điểm mới về vấn đề giữ vững và phát huy chủ nghĩa Mác và phương thức giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác trong thời đại cải cách.

Phát biểu tổng kết Tọa đàm GS.TS. Dương Bình - Đại học Sư phạm Thiểm Tây cho rằng, việc vận dụng triết học Mác ở Việt Nam và Trung Quốc là quá trình lịch sử phù hợp với nhu cầu vận động, phát triển của cách mạng cũng như sự phát triển của đất nước. Những thành công của Trung Quốc và Việt Nam hiện nay cho thấy sự đúng đắn và sức sống của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác đã cung cấp cho chúng ta một phương pháp phân tích, một cách nhìn biện chứng để chúng ta đi đến hành động đúng đắn. Do đó, cần tăng cường nghiên cứu việc vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay và cũng như những dự báo cho sự phát triển tương lai.

Một số hình ảnh trong buổi Tọa đàm:

GS.TS. Đỗ Tiến Sâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông, Viện Nghiên cứu Trung Quốc trình bày bài thuyết trình tại buổi Tọa đàm.

Học giả trường Đại học Thiểm Tây thảo luận trong buổi Tọa đàm.

Ngoài việc tìm hiểu về sự phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam, nhằm giúp các học giả có thể hiểu hơn về tình hình kinh tế, văn hóa của Việt Nam khóa học còn đưa ra những nội dung nghiên cứu và thảo luận về Văn hóa truyền thống Việt Nam; Tình hình phát triển kinh tế xã hội gần đây của Việt Nam; Phân tích chính sách ngoại giao của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, Học viện Khoa học xã hội và Tập đoàn Giáo dục toàn cầu cũng đã phối hợp tổ chức chuyến thăm và làm việc tại Việt Triết học cho các học giả của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây.

Đoàn Đại học Sư phạm Thiểm Tây thăm và làm việc với Viện Triết học.

Tại buổi lễ bế mạc khóa học, đại diện trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây, PGS.TS. Trương Á Trạch đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Học viện Khoa học xã hội và Tập đoàn giáo dục Toàn cầu đã hỗ trợ để đoàn có cơ hội học tập, giao lưu và có cái nhìn thực tế về văn hóa, về con người Việt Nam. Ngoài ra, thông qua buổi Tọa đàm cá nhân PGS.TS. và đoàn học giả của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây hiểu được rằng Việt Nam và Trung Quốc có những điểm tương đồng về lịch sử, về lý luận và về xã hội. Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai trường, hai quốc gia. PGS.TS. tin rằng khóa học này là sự bắt đầu của mối quan hệ hữu nghị, trong tương lai các học giả của hai trường sẽ thường xuyên gặp nhau ở các Hội thảo quốc tế cũng như cùng nhau trao đổi về giáo dục và đào tạo nghiên cứu sinh.

PGS.TS. Trương Á Trạch phát biểu tại buổi lễ bế mạc.

Kết thúc buổi lễ, đại diện Học viện Khoa học xã hội, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh - Phó Giám đốc Học viện trao chứng nhận tham dự khóa học cho các học giả.

PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh trao quà lưu niệm cho đại diện trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây.

PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh trao chứng nhận tham dự khóa học cho học giả.

Các giảng viên của khóa học chụp ảnh lưu niệm với các học giả.

 

Tin: Tuyết Mai

Ảnh: Võ Thương