Giáo trình, học liệu

Biến đổi hôn nhân của người Mường ở Hòa Bình và người Mường di cư ở Đăk Lăk

Ngày đăng: 27/02/2019 | Lượt xem: 3342

 

Hôn nhân là hiện tượng xã hội, là sự kiện quan trọng đánh dấu sự thay đổi trong chu kỳ của đời người; đồng thời, phản ánh rõ nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc.

Đối với người dân tộc Mường, hôn nhân có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với cá nhân mà còn hệ trọng đối với gia đình, họ tộc. Hôn nhân của người Mường ở Hòa Bình và người Mường di cư ở Đắk Lắk vừa thể hiện các đặc điểm văn hóa truyền thống, vừa phản ánh các sắc thái địa phương của dân tộc, chứa đựng nhiều giá trị về nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, múa cũng như nhân sinh quan, thế giới quan của tộc người. Trong bối cảnh hiện nay, hôn nhân mà đặc biệt là các nghi lễ, quy tắc trong hôn nhân của người Mường nói riêng đã có những biến đổi để thích nghi với điều kiện mới, từ đó làm cho văn hóa của tộc người cũng có sự biến đổi.

Cuốn sách Biến đổi hôn nhân của người Mường ở Hòa Bình và người Mường di cư ở Đắk Lắk, do PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà (chủ biên) với dung lượng 320 trang, đã tập trung làm rõ bức tranh về đời sống văn hóa của người Mường ở Hòa Bình và người Mường di cư ở Đắk Lắk trong truyền thống và quá đổi thông qua hôn nhân. Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tháng 11 năm 2018.

Cuốn sách được cấu trúc gồm 04 Chương:

Chương I: Khái quát về người Mường ở Hòa Bình và người Mường ở Đắk Lắk.

Chương II: Hôn nhân truyền thống của người Mường ở Hòa Bình.

Chương III: Biến đổi hôn nhân của người Mường ở Hòa Bình và người Mường di cư vào Đắk Lắk từ năm 1986 đến nay.

Chương IV: Một số đặc trưng văn hóa tộc người, các yếu tố tác động đến biến đổi hôn nhân của người Mường và một số giải pháp đề xuất

Nội dung cuốn sách từng bước làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong hôn nhân của người Mường hiện đang cư trú, sinh sống tại hai tỉnh Hòa Bình và Đắk Lắk.

Làm rõ các yếu tố tác động đến quá trình biến đổi hôn nhân của người Mường, những tác động tích cực và những hạn chế không mong muốn đang ảnh hướng đến hôn nhân và văn hóa tộc người.

Bước đầu đề cập đến vai trò, ảnh hưởng của phong tục, tập quán và pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với đời sống hôn nhân của người Mường kể từ Đổi mới đến nay. Trên cơ sở đó, cuốn sách đề xuất một số kiến nghị góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong hôn nhân của người Mường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

Cuốn sách “Biến đổi hôn nhân của người Mường ở Hòa Bình và người Mường di cư ở Đắk Lắk” do PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà (chủ biên) là công trình khoa học được nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Với nội dung sâu sắc và phong phú, cuốn sách “Biến đổi hôn nhân của người Mường ở Hòa Bình và người Mường di cư ở Đắk Lắk” được giới thiệu trên đây có giá trị tham khảo đối với giảng viên, học viên cũng như các nhà khoa học, bạn đọc quan tâm đến văn hóa của các tộc người thiểu số nói chung và hôn nhân của người Mường nói riêng trong bối cảnh hiện nay.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Phòng Biên tập - Trị sự

Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội