Giáo trình, học liệu

Luật hình sự so sánh

Ngày đăng: 26/04/2018 | Lượt xem: 11705

Tác giả: PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn Khoa: Luật học Năm xuất bản: 2018 Sách chuyên khảo dành cho học viên cao học

Trong thực tiễn đổi mới và xây dựng đất nước ta hiện nay, những kết quả nghiên cứu của luật hình sự so sánh ngày càng có ý nghĩa to lớn đối với các hoạt động xây dựng, áp dụng và hoàn thiện pháp luật hình sự. Vì vậy, luật hình sự so sánh dần trở thành xu hướng nghiên cứu mới trong khoa học pháp lý nói chung và khoa học luật hình sự nước ta nói riêng. Một trong những biểu hiện của xu hướng đó là cuốn sách chuyên khảo “Luật hình sự so sánh” của PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn - nguyên Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội. Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. 


Với 452 trang, gồm: phần Mở đầu và 11 chương tác giả phân tích, đối chiếu các quy phạm pháp luật hình sự, thực tiễn áp dụng các quy phạm pháp luật xét xử hình sự và các học thuyết pháp lý hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Tây Ban Nha, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Cộng hòa Thụy Sĩ, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa… Từ đó, rút ra những điểm tương đồng và khác biệt trong các hệ thống pháp luật hình sự của các quốc gia đó.
Trong phần Mở đầu, tác giả đề cập các vấn đề: Khái niệm; Đối tượng nghiên cứu và Phương pháp nghiên cứu của luật hình sự so sánh; mối quan hệ giữa luật hình sự so sánh với lý luận chung về Nhà nước và pháp luật; lịch sử pháp luật; Pháp luật hình sự quốc tế; Tội phạm học; Phân loại các hệ thống pháp luật hình sự trên thế giới.


Trong Chương I - Nguồn của luật hình sự, xuất phát từ thực tiễn Khoa học luật hình sự Việt Nam, tác giả cuốn sách cho rằng: Bộ luật hình sự là nguồn duy nhất của luật hình sự. Thế nhưng, các quy phạm pháp luật hình sự không chỉ tồn tại trong Bộ luật hình sự mà còn tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật khác như Hiến pháp 2013... Từ thực tế đó, tác giả đặt ra câu hỏi cần có câu trả lời xác đáng là những văn bản khác có chứa đựng các quy phạm manh tính hình sự là nguồn hay không phải là nguồn của luật hình sự…? Theo tác giả cuốn sách, để trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ sẽ là bổ ích nếu đối chiếu, phân tích các quy phạm trong một số hệ thống pháp luật hiện nay trên thế giới. Và, nội dung Chương I của cuốn sách này sẽ trả lời cho câu hỏi được nêu trên.


Tác giả dành Chương II và Chương III để phân tích, đối chiếu về vấn đề Tội phạm và Chủ thể của tội phạm. Từ việc so sánh, đối chiếu và phân tích những cứ liệu của một số nước trên thế giới tác giả cuốn sách nhấn mạnh rằng, ở nước ta, trong khái niệm tội phạm và những dấu hiệu pháp lý của tội phạm vẫn còn có những vấn đề chưa đặt ra hoặc đã đặt ra nhưng chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Do vậy, để hoàn thiện khái niệm tội phạm và các dấu hiệu pháp lý của tội phạm trong luật hình sự Việt Nam cần phải tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của các nhà làm luật thế giới... Khi đối chiếu, phân tích độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tác giả cuốn sách nêu bật hai cách tiếp cận cơ bản về tuổi chịu trách nhiệm hình sự là tiếp cận quy định tuổi thống nhất, theo đó nhà làm luật chỉ rõ từ độ tuổi nào, người phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ và tiếp cận quy định độ tuổi có phân biệt, tức quy định các hạng tuổi khác nhau của các chủ thể của tội phạm. Ngoài ra, tác giả cuốn sách cũng phát hiện vấn đề khác không kém phần lý thú, đó là độ tuổi thấp nhất (tối thiểu) của chủ thể của tội phạm. Có quốc gia quy định độ tuổi đó là 7 tuổi; có quốc gia quy định độ tuổi đó là 15 tuổi. Tác giả cũng chỉ ra các quan điểm khác nhau về quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo đó: luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, ở xã hội có trình độ văn minh, trình độ giáo dục, trình độ đấu tranh phòng chống tội phạm cao hơn, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể nâng lên; luồng ý kiến thứ hai cho rằng, trong xã hội văn minh, hiện đại, nơi mà trật tự pháp luật là giá trị xã hội, tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhất định sẽ giảm xuống... 


Tại Chương IV, khi so sánh, phân tích các giai đoạn thực hiện tội phạm, tác giả đã tập trung phân tích nội dung của các giai đoạn: Chuẩn bị phạm tội, Phạm tội chưa đạt. Đặc biệt, trong nội dung về Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, tác giả đã đi sâu phân tích và chỉ ra những điểm tương đồng trong quy định và áp dụng tại các quốc gia khác nhau.


Tại Chương V, khi đề cập đến các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vi, tác giả cuốn sách nhận xét rằng, thực tế cho thấy có không ít trường hợp, hành vi đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội phạm; song, do có những tình tiết đặc biệt nên không những không bị coi là tội phạm mà còn được coi là hành vi có tính tích cực, có ích cho xã hội và được khuyến khích thực hiện. Vậy, vấn đề các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vi được các quốc gia đề cập trong cuốn sách, giải quyết như thế nào? Để làm sáng tỏ điều đó, tác giả cuốn sách tập trung so sánh ở 9 trường hợp cụ thể: 1) Phòng vệ chính đáng; 2) Tình thế cấp thiết; 3) Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; 4) Cưỡng bức thân thể hoặc tinh thần; 5) Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; 6) Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên; 7) Gây thiệt hại theo yêu cầu của người bị hại; 8) Sai lầm về mặt pháp luật hoặc về mặt thực tế; 9) Đặc tình.


Trong Chương VI, khi đối chiếu phân tích các quy định pháp luật hình sự của những nước đề cập trong cuốn sách về đồng phạm, tác giả cho thấy, nhà làm luật các nước có cách tiếp cận thiết kế tương đối khác nhau về chế định đồng phạm và thậm chí là không có quan điểm thống nhất về một số vấn đề. Chẳng hạn: về hình thức lỗi trong đồng phạm, theo Bộ luật hình sự của phần lớn các nước, đồng phạm chỉ có trong tội cố ý; trong khi đó, Bộ luật Hình sự Ba Lan lại khẳng định, đồng phạm có cả trong tội vô ý (tr.200). Từ quan điểm của nhà nghiên cứu pháp luật, tác giả khẳng định: Đồng phạm không thể có trong trường hợp phạm tội vô ý hoặc tất cả những người phạm tội không cùng lỗi cố ý. Vì vậy, có thể kết luận rằng, khái niệm đồng phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam thể hiện cách tiếp cận tối ưu về vấn đề này.


Trong Chương VII - Hình phạt, sau khi đối chiếu, phân tích các vấn đề của hình phạt, tác giả nhận xét rằng, giới luật học các nước có sự nhận thức khá thống nhất về bản chất của hình phạt. Hình phạt được coi là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước và được áp dụng nhân danh Nhà nước đối với người phạm tội. Ngoài ra, trong các định nghĩa mang tính khoa học về hình phạt, tính chất trừng trị của hình phạt đặc biệt được nhấn mạnh. Chương này, tác giả cũng đã tập trung đối chiếu, phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trong hai nội dung: 1) Khái niệm và mục đích của hình phạt; 2) Hệ thống hình phạt. 


Tác giả dành Chương VIII từ trang 221 đến trang 279, để đối chiếu, phân tích Các loại hình phạt, gồm bảy loại hình phạt hiện đang được các nước áp dụng thực hiện trong hệ thống pháp luật của mình. Đó là: 1) Tử hình; 2) Hình phạt tù; 3) Hạn chế tự do; 4) Lao động bắt buộc; 5) Phạt tiền; 6) Tước quyền; 7) Tịch thu tài sản.


Trong Chương IX - Quyết định hình phạt, tác giả cuốn sách đối chiếu, phân tích ba vấn đề. Thứ nhất, Các căn cứ quyết định hình phạt; Thứ hai, Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội và tổng hợp hình phạt; Thứ ba, án treo. ở nội dung án treo, tác giả đã chỉ rõ: Việc phân tích, so sánh pháp luật về chế định án treo cho thấy không có những điểm khác biệt mang tính nguyên tắc giữa các nhà làm luật của các nước trong việc quy định chế định này. Cách tiếp cận án treo như là biện pháp miễn chấp hành hình phạt có điều kiện đối với người bị kết án được thể hiện trong các Bộ luật hình sự của hầu hết các nước được đem ra so sánh, phân tích. Tuy nhiên, trong các Bộ luật hình sự đó, cũng có những điểm khác biệt về nội dung và sắc thái riêng của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với vấn đề án treo… (tr.333).


Tác giả dành Chương X: Phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự Việt Nam và Bộ luật hình sự một số nước để đối chiếu, phân tích tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong thiết kế các cấu thành tội phạm, quy phạm pháp luật hình sự, các chế tài. Tác giả cuốn sách khẳng định rằng các cấu thành tội phạm được sắp xếp dựa trên nguyên tắc thống nhất - theo khách thể loại của tội phạm. Trong các bộ luật hình sự của các nước, ngoại trừ Vương quốc Anh, nơi các đạo luật chuyên ngành có quy định tội phạm và hình phạt, các tội phạm cùng xâm phạm một khách thể loại được sắp xếp vào một chương tương ứng như: Các tội phạm xâm phạm tính mạng; Các tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục; Các tội xâm phạm sở hữu.


Trong Chương XI, tác giả cuốn sách đối chiếu, phân tích qua đó làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt ở một số loại tội phạm cụ thể như: Các tội xâm phạm tính mạng của con người; Các tội phạm về tình dục và Các tội xâm phạm sở hữu. Chính việc đối chiếu, phân tích pháp luật hình sự của các nước được đề cập trong cuốn sách này, ngoài việc cho phép nhận thức được những điểm tương đồng và khác biệt trong pháp luật và trong áp dụng pháp luật hình sự của các quốc gia khác nhau. Và điều quan trọng hơn là, mỗi quốc gia có thể tiếp thu kinh nghiệm xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật của nhau nhằm nâng cao chất lượng của pháp luật hình sự.


Cuốn sách “Luật hình sự so sánh” của PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn là công trình khoa học được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính chính xác, cơ bản và hệ thống. Với quy mô lớn, nội dung sâu sắc và phong phú, cuốn sách “Luật hình sự so sánh” được giới thiệu trên đây có giá trị tham khảo đối với giảng viên, học viên cũng như các nhà khoa học, bạn đọc quan tâm đến pháp luật hình sự so sánh.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phòng Biên tập - Trị sự
Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội