Ngày đăng: 09/11/2015 | Lượt xem: 3046 Ngày 6 tháng 11 năm 2015, tại Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ Ra mắt tác phẩm bản dịch tiếng Nga của Truyện Kiều, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du. Đây là công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt - Nga sau hai năm nỗ lực làm việc, cùng sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân nhằm thúc đẩy trao đổi, truyền bá văn hóa Nga - Việt. Đại diện các đơn vị đồng tổ chức buổi lễ tặng hoa chúc mừng Nhóm dịch giả Tham dự buổi ra mắt có GS. TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt nam; Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt ngài Vladimir Buianov; Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga - ông Trịnh Quốc Khánh cùng các nhà văn, nhà thơ, các cựu cán bộ, cựu sinh viên đã từng sống và làm việc tại Liên bang Nga. Đặc biệt, sự có mặt của hơn 500 khách mời tham dự Lễ ra mắt và nhóm dịch giả Việt - Nga, gồm những nhà Việt Nam học, Nga học và những người đã góp phần truyền bá văn hóa Nga - Việt như TS. Nguyễn Huy Hoàng, dịch giả Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi, nhà thơ Vasili Popov, nhà Việt Nam học người Nga, Phó Giáo sư Ngôn ngữ học Anatoli Socolov cùng Ông Hoàng Văn Vinh, tổng giám đốc công ty Dolotoi Drakon tại Liên bang Nga, người đã xây dựng ý tưởng và tài trợ cho việc dịch tác phẩm Truyện Kiều ra tiếng Nga. Truyện Kiều - một kiệt tác của Nguyễn Du đã được dịch ra tiếng Pháp từ cuối thế kỷ XIX. Cho đến nay, đã có 35 bản dịch Truyện Kiều ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau. Việc dịch và xuất bản bản dịch tiếng Nga là niềm mong mỏi của nhiều thế hệ dịch giả Nga và các nhà Việt Nam học. Trong quá trình dịch, nhóm dịch giả tuân thủ theo nguyên tắc: Tác phẩm được dịch ra văn xuôi và hiệu đính lần thứ nhất; sau khi hiệu đính xong lần thứ hai mới dịch ra thơ. Bản dịch thơ sẽ được đối chiếu với bản dịch văn xuôi một cách kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở trao đổi, góp ý và cuối cùng là thống nhất ý kiến. Ông Nguyễn Huy Hoàng đại diện Nhóm dịch giả phát biểu Đại diện nhóm biên dịch, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết, bên cạnh công việc giải mã và chuyển nghĩa để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung Truyện Kiều, nhóm tác giả đặc biệt quam tâm tới việc không làm mất đi vẻ đẹp về nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam này. Nhà thơ trẻ Vasili Popov - thành viên Nhóm dịch giả phát biểu tại buổi lễ Tại buổi Lễ, nhà thơ trẻ Vasili Popov bày tỏ vinh dự khi được tham gia biên dịch một tác phảm thi ca cổ điển của Việt Nam sang tiếng Nga, là cơ hội để nhà thơ có thêm những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nhà thơ nhận định, Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể so sánh với các tác phẩm của Pushkin ở Nga và tin tưởng vào sự tiếp nhận và lan tỏa của bản dịch này đối với các thế hệ độc giả ở Nga. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt, ông Vladimir Buianov bày tỏ: Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đề cập tới những vấn đề xã hội gắn liền với lịch sử của Việt Nam cũng như ở đất nước Nga, đó là đến cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa và đề cao phẩm giá con người, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống, lịch sử và văn hóa mà thế hệ cha ông họ đã trải qua. Việc biên dịch và chuyển tải nội dung Truyện kiều sang tiếng Nga sẽ góp phần truyền bá và gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Liên bang Nga. Bên cạnh đó, Ngài Chủ tịch cũng bày tỏ lời cảm ơn tới Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong việc in ấn và giới thiệu cuốn sách, đây là cầu nối để đưa tác phẩm này tới tay độc giả một cách sớm nhất. GS.TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - đơn vị xuất bản sản phẩm Truyện Kiều bản dịch tiếng Nga nhấn mạnh: Tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác bất tử của dân tộc Việt Nam, nó đã đưa nền văn học viết Việt Nam đạt đến một đỉnh cao chói lọi; góp phần hoàn thiện và cách tân tiếng Việt. Đã hơn hai thế kỷ trôi qua, nhưng những giá trị nghệ thuật và chủ nghĩa nhân đạo của Truyện Kiều vẫn làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian. Giáo sư cũng khẳng định, bản dịch Truyện Kiều của nhóm dịch giả Việt Nam và Nga lần này là một công trình tâm huyết. Nó là nhịp cầu văn hóa giữa Liên bang Nga và Việt Nam, giúp bạn đọc và nhân dân Nga hiểu hơn về đất nước, con người và tâm hồn Việt Nam. Cũng tại buổi lễ, hơn 500 tác phẩm Truyện Kiều bản dịch tiếng Nga đã được chuyển tới tay độc giả - những người say mê Truyện Kiều sống trong nước và nước ngoài, đây cũng chính là cơ hội để kiệt tác Truyện Kiều sẽ tiếp tục mang thông điệp văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Tin: Mai Hoa Ảnh: Nguyễn Quân In bài viết Chia sẻ