Thông tin - Tư liệu - Thư viện

Hội thảo: Kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện và phát triển mối quan hệ giữa các Thư viện

Ngày đăng: 18/06/2015 | Lượt xem: 2491

Ngày 10/6/2015, tại Học viện Khoa học xã hội, Số 477 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện Học viện Khoa học xã hội phối hợp với Viện Thông tin Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo về chủ đề: Kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện và phát triển mối quan hệ giữa các Thư viện. Hội thảo kỳ vọng sẽ tạo ra những biến đổi trong hoạt động thư viện, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu phục vụ thông tin. Đồng thời, là tiền đề mở rộng quan hệ trong việc liên kết chia sẻ thông tin giữa các thư viện.

 

PGS.TS. Hồ Việt Hạnh  và TS. Lê Hải Đăng

đồng chủ trì Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có đại diện Thư viện các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện thông tin Khoa học xã hội; Thư viện Tạ Quang Bửu - Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Khoa học xã hội. Đồng chủ trì Hội thảo: PGS.TS. Hồ Việt Hạnh - Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, kiêm Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện Học viện; TS. Lê Hải Đăng - Phó viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội.


Toàn cảnh Hội thảo

 

Thư viện được coi là bộ mặt của mỗi một trường học, viện nghiên cứu, là nơi lưu trữ thông tin, tài liệu, giáo trình, các tư liệu điện tử cập nhật nhất…; là nơi học viên, giảng viên và cán bộ nghiên cứu tìm đến để tra cứu, tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập và công tác nghiên cứu. Trong lịch sử tồn tại, thư viện đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các thư viện hiện nay là nhu cầu tất yếu, là con đường hợp lý giúp các thư viện vượt qua những thách thức và đón những cơ hội để phát triển các dịch vụ của mình.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hồ Việt Hạnh nhấn mạnh: Xây dựng Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện Học viện Khoa học xã hội nói riêng và Thư viện thuộc các Viện nghiên cứu nói chung trở thành một Trung tâm hiện đại, được quản lý, vận hành ở trình độ cao; có khả năng khai thác, phát triển và cung cấp thông tin phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; có khả năng kết nối với mạng thông tin khoa học xã hội trong toàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội việt Nam, Thư viện Quốc gia và các thư viện thuộc các cơ sở đào tạo khác là một trong những Chiến lược phát triển của các đơn vị cũng như trong toàn Viện Hàn lâm. Hội thảo Kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện và phát triển mối quan hệ giữa các Thư viện là bước triển khai nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển đó. Tại Hội thảo, các vấn đề được định hướng tập trung thảo luận và giải đáp, bao gồm: Thứ nhất: nhìn nhận lại những công việc đã thực hiện trong quá trình xây dựng các thư viện, bao gồm: Cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người; Nguyên nhân của những thành công và hạn chế. Thứ hai, nhiệm vụ đặt ra đối với các Thư viện trong bối mới. Thứ ba, nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc sự hợp tác của các Thư viện trong hệ thống các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Thứ tư, các Thư viện phải làm gì để phát triển mối quan hệ nhằm thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ và nhân lên sức mạnh của công tác Thông tin - Tư liệu - Thư viện.


PGS.TS. Hồ Việt Hạnh - Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, kiêm Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện Học viện phát biểu tại Hội thảo

 

Các đại biểu đã trình bày tham luận và thảo luận các ý kiến xoay quanh hai vấn đề lớn đó là: Kinh nghiệm phát triểnMối quan hệ giữa các thư viện. Tại tham luận: Thực trạng công tác thông tin tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện Học viện Khoa học xã hội, (ThS. Nguyễn Minh Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện Học viện Khoa học xã hội) cho rằng: Một trong những vấn đề trước mắt để thư viện phát triển đó là cần xây dựng mối quan hệ liên thông giữa các thư viện trong toàn viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó các thư viện phải xây dựng được hệ thống mục lục trực tuyến, cán bộ thư viện phải được hỗ trợ về chuyên môn, chủ động cập nhật thông tin phục vụ độc giả tại thư viện mình cũng như giới thiệu độc giả đến với các thư viện khác trong hệ thống. Tích cực chuyển dần các hoạt động của thư viện từ phương thức thủ công, truyền thống, sang tự động hóa và đặt nhiệm vụ xây dựng thư viện điện tử là một yêu cầu cấp bách của thư viện…

ThS. Trần Thị Minh Tâm - Trưởng phòng Phòng Thông tin - Thư viện, Viện Triết học nhận định: Trong xu thế phát triển chung của các thư viện, với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quá trình số hóa để lưu trữ và khai thác dữ liệu thì chúng ta còn quá trung thành với các phương thức truyền thống: truyền thống trong cách thức phục vụ, trong phương thức tiếp cận và khai thác… chính các yếu tố đó đã ít nhiều kìm hãm sự phát triển, không kích thích và hấp dẫn bạn đọc đến với thư viện… Để khắc phục thực trạng này nhiều đại biểu đồng tình với phương án: phải bắt đầu bằng việc mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong thư viện hiện nay.

Về vấn đề Chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện, đại biểu Nguyễn Văn Hội - Viện Thông tin Khoa học xã hội nhấn mạnh: Việc xây dựng mới một trung tâm thông tin - thư viện ngày nay cần tập trung vào việc xây dựng một hệ thống các cơ sở dữ liệu thư mục về nguồn tài nguyên thông tin; nguồn tài liệu số hóa; Cơ sở dữ liệu và trao đổi tài liệu. Tuy nhiên, chúng ta cần có một đội ngũ cán bộ có trình độ về công nghệ thông tin, đủ sức quản lý, vận hành hệ thống cũng như thiết kế, xử lý các cơ sở dữ liệu thư viện, do đó, các thư viện cần tiếp tục chú trọng đào tạo, hướng dẫn cán bộ thư viện nâng cao trình độ, khả năng nghiệp vụ và công nghệ thông tin.


ThS. Hà Thị Huệ - Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu  trình bày tham luận

 

Chia sẻ về kinh nghiệm trong hoạt động thư viện, ThS. Hà Thị Huệ - Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu cho rằng: Hệ thống biển báo là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho bạn đọc đến gần hơn với mỗi thư viện, các tiêu chí: đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, rễ hiểu của hệ thống biển báo sẽ khiến bạn đọc thoải mái, dễ chịu, giúp họ tiết kiệm thời gian và đến với thông tin một cách nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó, yếu tố con người sẽ quyết định bạn đọc có đến với thư viện hay không? thông qua năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ phục vụ bạn đọc tận tình, chu đáo, thân thiện…

Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến thảo luận khác của các đại biểu tham dự, điều đó cho thấy: đổi mới hoạt động thư viện là xu hướng tất yếu và mong muốn của mỗi thư viện trong hệ thống thư viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Với Chiến lược phát triển về thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội trong giai đoạn hiện nay, các thư viện thành viên đều đã sẵn sàng hợp tác, liên kết và chia sẻ thông tin với mong muốn tạo nguồn lực thông tin và các sản phẩm dịch vụ thông tin có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dùng tin trong lĩnh vực khoa học xã hội. Hội thảo kết thúc với phần hội ý của đại diện đến từ các thư viện, nhằm đề ra các chương trình hành động trước mắt. Đây chính là những động thái tích cực để phát triển mối quan hệ giữa các thư viện cũng như nâng hiệu quả hoạt động trong hệ thống thông tin - tư liệu - thư viện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Một số hình ảnh cùng sự kiện:


Các đại biểu tham quan Phòng Truyền thống Học viện Khoa học xã hội


ThS. Phùng Diệu Anh - Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin

phát biểu tại Hội thảo


ThS. Trần Thị Minh Tâm - Trưởng phòng Phòng Thông tin - Thư viện, Viện Triết học

phát biểu tại Hội thảo


Các đại biểu tham quan Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện Học viện Khoa học xã hội


Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Tin và ảnh: Mai Hoa