Ngày đăng: 01/08/2014 | Lượt xem: 2324 Ngày 25/7/2014, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ Anh đã diễn ra Hội thảo khoa học “Đổi mới hoạt động Thông tin – Thư viện” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (KXHXH VN); GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN; đại diện các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm và các cán bộ đang công tác tại các thư viện chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Về phía khách mời, có đoàn cán bộ thuộc Viện Khoa học Quốc gia Lào do ông Khammanh Siphanhxay, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học làm trưởng đoàn; ông Thanongsone Shibouheuang, Phó Viện trưởng Viện Thông tin – Tư liệu và Thư viện Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào làm phó đoàn; Hội thư viện Việt Nam và một số công ty phần mềm, xuất bản, phát hành. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh một số điểm cần tập trung thảo luận đó là: Thứ nhất, cần có sự nhận thức lại đối với công tác thông tin, tư liệu, thư viện; bởi vì, mọi kết quả nghiên cứu có được đều phải dựa trên hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhận và đảm bảo sự chuẩn xác để làm luận cứ cho chúng ta xây dựng những định hướng đề tài và có được kết quả nghiên cứu tốt. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, công tác thông tin, tư liệu, thư viện có rất nhiều vấn đề đặt ra, như: Số hóa thông tin; xây dựng hệ thống thông tin trực tuyến; thư viện điện tử… Do vậy, yêu cầu của thư viện trong công cuộc đổi mới công tác thông tin, tư liệu hết sức quan trọng. Trên thực tế, chúng ta đã làm, nhưng chưa được tốt, cần có sự chia sẻ, hợp tác và phối hợp từ Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam với các thư viện chuyên ngành; cần có sự kết nối với các thư viện trên toàn quốc và quốc tế. Thứ hai, đề nghị chúng ta đánh giá sát thực công tác thông tin, tư liệu, thư viện trong thời giai qua, từ khâu tổ chức, triển khai, kiểm tra, giám sát đến kết quả đã đạt được. Các nhà khoa học rất cần các tổng thuật, lược dịch, thông tin cập nhật. Thứ ba, đó là vấn đề về nguồn nhân lực của thư viện. Qua rà soát cho thấy, số lượng cán bộ được đào tạo đúng ngành rất ít, thường từ các ngành khác chuyển sang, có một số ngành không liên quan đến lĩnh vực thư viện,… Đề nghị Ban Tổ chức Cán bộ làm việc với với các viện, thư viên chuyên ngành để chuẩn hóa vị trí công việc, cần chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, chuyên sâu hóa đội ngũ cán bộ thư viện. Trong công tác cán bộ, cần đặc biệt chú ý đến đời sống cho cán bộ thư viện; qua công việc, có thể cải thiện được phần nào đời sống của họ. Toàn cảnh Hội thảo Đổi mới hoạt động Thông tin – Thư viện Hội thảo đã nhận được 34 báo cáo, trong đó có 6 tham luận trình bày tại Hội thảo. Các báo cáo và ý kiến thảo luận tại Hội thảo chủ yếu tập trung vào hai vấn đề chính như sau: Thứ nhất, đánh giá thực trạng hoạt động của công tác thông tin, tư liệu, thư viện trong hệ thống các thư viện Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giai đoạn 2011 – 2014. Trong chủ đề này, các báo cáo và ý kiến phát biểu đã nêu lên những thành tựu và khó khăn trong của công tác thông tin, tư liệu, thư viện của các thư viện chuyên ngành Viện Hàn lâm KHXHVN trong thời gian qua và đề xuất những giải pháp tháo gỡ. Về những thành tựu đạt được, các ý kiến phát biểu đều đánh giá rằng, trong thời gian qua, hoạt động thông tin, tư liệu, thư viện đã từng bước đổi mới theo xu hướng hội nhập mà khâu đột phá là xây dựng thư viện điện tử, số hóa hoạt động thư viện; đổi mới chính sách đào tạo, đãi ngộ đối với cán bộ thư viện. Tuy nhiên, hoạt động của thư viện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Một là, về đào tạo nhân lực thông tin, thư viện còn nhiều bất cập. Nhiều cán bộ làm trong lĩnh vực này nhưng không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ thư viện. Hai là, sự lạc hậu về nghiệp vụ thư viện và sức ỳ của cách làm việc kiểu cũ vẫn tái diễn. Trong bối cảnh hội nhập, việc tiếp cận với nghiệp vụ thư viện hiện đại đòi hỏi người làm thư viện cần có thêm trình độ tin học và ngoại ngữ; mặt khác, trong quá trình chuyển đổi, đòi hỏi thư viện viên vừa phải duy trì cách thức hoạt động của thư viện truyền thống, vừa phải tiếp cận với phương thức hoạt động của thư viện hiện đại theo chuẩn quốc tế. Ba là, hầu hết các thư viện đều chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng thư viện điện tử. Do vậy, từ bước xây dựng đề án, kế hoạch duy trì, phát triển thư viện điện tử còn gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với thực tế, dẫn đến đổi mới thư viện thiếu đồng bộ và hệ thống. Bốn là, việc liên thông giữa các thư viện chuyên ngành; giữa Viện Thông tin Khoa học xã hội với các thư viện chuyên ngành chưa đồng bộ, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư; trùng lặp trong xây dựng cơ sở dữ liệu, chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác thông tin. Thứ hai, đổi mới hoạt động thông tin, tư liệu, thư viện: xây dựng thư viện điện tử tích hợp, thư viện số toàn Viện Hàn lâm trong gian đoạn hiện nay và những vấn đề nghiệm vụ thư viện mới. Trong chủ đề này, các tham luận đã tập trung thảo luận và đưa ra những giải pháp để đổi mới hoạt động của thư viện hiện nay theo hướng xây dựng thư viện điện tử, thư viện số và tích hợp thống nhất trong các thư viện toàn Viện Hàn lâm; xây dựng phần mềm mã nguồn mở để quản lý tài nguyên số cho hệ thống thư viện của Viện Hàn lâm; triển khai phần mềm quản trị thư viện tích hợp Millennium tại Viện Thông tin Khoa học xã hội. PGS.TS. Hồ Việt Hạnh Phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội trình bày tham luận tại Hội thảo Trong các báo cáo trình bày tại Hội thảo, tham luận Trung tâm Thông tin – Tư liệu – Thư viện Học viện Khoa học xã hội: Thực trạng và giải pháp do PGS.TS. Hồ Việt Hạnh, Phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội trình bày đã nêu lên tính đặc thù của thư viện Học viện Khoa học xã hội. Trung tâm Thông tin – Tư liệu – Thư viện của Học viện là một Trung tâm mới được thành lập cùng với sự ra đời của Học viện KHXH (năm 2010), là nơi lưu trữ và cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ các nhà nghiên cứu, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học trong và ngoài Viện Hàn lâm KHXH VN; do là một Thư viện của cơ sở đào tạo các lĩnh vực khoa học xã hội, do vậy, Thư viện có sự kết nối, liên quan tới tất cả các thư viện chuyên ngành của các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm. Qua gần năm năm hoạt động, Thư viện Học viện KHXH vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần có sự hỗ trợ về mọi mặt để phục vụ tốt nhất công tác đào tạo và nghiên cứu của Học viện. Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng một lần nữa nhấn mạnh: các giải pháp công nghệ cần phải được xem xét để đầu tư không trùng lặp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh lãnh phí, hình thức; mặt khác, cần phải có nhận thức thấu đáo về mối quan hệ giữa thư viện truyền thống và thư viện điện tử. Trong thư viện truyền thống của chúng ta còn rất nhiều tư liệu quý hiếm cần được bảo quản, số hóa, nhằm khai thác hiệu quả phục vụ cho công tác nghiên cứu, đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Còn bất cập giữa công tác thư viện với thông tin, tư liệu; các chuyên đề thông tin còn ít và chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu hiện nay. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trước khi bàn về các giải pháp kỹ thuật, chúng ta cần phải bàn về giải pháp nội dung. Giải pháp kỹ thuật có thể xử lý được bằng các công ty phần mềm nhưng làm giàu nội dung thông tin là trách nhiệm của những người làm thư viện, của lãnh đạo các đơn vị. Các thư viện cần có sự kết nối, tích hợp giữa Viện Thông tin khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH với các thư viện trực thuộc các đơn vị; giữa các thư viện thành viên với nhau tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư. Các thư viện của các viện từ góc độ nghiên cứu chuyên ngành của mình cần có các thông tin chuyên đề phục vụ công tác phát triển kinh tế, xã hội, đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Đối với thư viện Học viện Khoa học xã hội, là một đơn vị đặc thù trong Viện Hàn lâm KHXHVN; do vậy, cần có mối liên hệ mật thiết với các thư viện chuyên ngành để phục vụ cho công tác đào tạo sau đại học. Kết thúc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn của những cán bộ trực tiếp làm công tác thư viện - họ là những người nắm vai trò quyết định tới sự thành công hay thất bại trong việc đổi mới hoạt động thông tin, tư liệu, thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bài và ảnh: Mạnh Toàn – Mai Hoa In bài viết Chia sẻ