Ngày đăng: 17/09/2024 | Lượt xem: 180 Ngày 16 tháng 9 năm 2024, tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, UBND thành phố Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư và Học viện Khoa học xã hội đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ”. Tới dự có đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, chuyên viên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng lý luận Trung ương, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Học viện khoa học xã hội; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo huyện Hoa Lư, thành phố Ninh Bình và đại diện các xã, phường, thị trấn của 2 địa phương; lãnh đạo Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Về phía Học viện Khoa học xã hội có: PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS. TS Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội; TS. Vũ Mạnh Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng bộ môn Chính trị học cùng các nhà khoa học đến từ Hội Khoa học lịch sử, Hội Khảo cổ học, Tạp chí Cộng sản, Đại học Quốc gia Hà Nội… và cán bộ lãnh đạo, phụ trách các đơn vị trực thuộc Học viện Khoa học xã hội. Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo hướng tới mục tiêu làm rõ những đặc trưng cơ bản, ý nghĩa, tầm quan trọng của “văn hóa Tràng An” trong tiến trình lịch sử của dân tộc; phát huy giá trị cốt lõi của “văn hóa Tràng An” để vận dụng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng con người Hoa Lư “thanh lịch, hiền hòa, thân thiện, mến khách”. Hội thảo cũng là tiền đề cho các đề xuất về chính sách, giải pháp nhằm phát huy các giá trị độc đáo, khơi dậy thế mạnh tiềm năng của di sản, làm nổi bật thế cạnh tranh của “văn hóa Tràng An” trong xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu Đô thị Di sản thiên niên kỷ trong tương lai. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng định hướng mục tiêu lan tỏa các giá trị cốt lõi của con người, vùng đất nơi đây, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên và người dân Hoa Lư - Ninh Bình. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã gợi mở những vấn đề xuất phát từ thực tiễn địa phương để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận nhằm khơi dậy, phát huy lối sống, văn hóa Tràng An. Nhấn mạnh các đặc điểm riêng có, độc đáo của Ninh Bình, như vị trí địa lý nằm trong không gian văn minh vùng châu thổ sông Hồng nói chung, có sự giao thoa của văn hóa châu thổ sông Mã và tiếp thu các yếu tố bên ngoài. Nơi đây, vừa là vùng văn hóa cổ, nhưng có những vùng đất mới với nếp sống của cư dân lấn biển tạo nên bản sắc riêng. Cư dân Ninh Bình có hai dân tộc chính là Kinh và Mường, đã cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng và bảo vệ dải đất quê hương từ thuở khai sơn phá thạch, dựng cơ đồ. Đặc biệt, đây là vùng đất hội tụ linh khí dân tộc, vị thế địa chính trị quan trọng. Vào thế kỷ X, người anh hùng Đinh Bộ Linh đã khởi dựng Nhà nước Đại Cồ Việt - quốc gia độc lập, tự chủ của dân tộc sau hơn 1 nghìn năm Bắc thuộc. Xưng Đế, đặt Quốc hiệu, định Niên hiệu, cho đúc đồng tiền riêng, xác lập đầy đủ những giá trị của chủ quyền quốc gia. Kinh đô Hoa Lư trên vùng đất này được hình thành đảm bảo đủ cả yếu tố thành và thị, hội tụ, quần cư của các tầng lớp cư dân nhiều vùng miền đến giao thương, giao lưu kinh tế, tạo nên nét đặc trưng riêng của cư dân đô thị cổ - văn hóa Hoa Lư. Là nền tảng quan trọng cho văn hóa Thăng Long sau này… PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội chủ trì Hội thảo Với 09 tham luận được lựa chọn trình bày và hơn 20 ý kiến tham luận, chia sẻ trực tiếp tại Hội thảo đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề. Trong đó, theo nhiều đại biểu, diện mạo và bản sắc của văn hóa Tràng An, mang đậm tính dân gian và tinh thần dân tộc tự chủ, đặc biệt ở thế kỷ thứ X, văn hóa Tràng An có vị trí mở đầu thời kỳ phục hưng văn hóa dân tộc. Vùng đất Ninh Bình địa linh, nhân kiệt đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử tiêu biểu, nhất là đức Đinh Tiên Hoàng, thánh Nguyễn Minh Không. Ở đó, đặc điểm nổi bật của văn hóa, lối sống con người Tràng An là lòng yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thể hiện lòng tự tôn, tự cường dân tộc. Cùng với đó là tinh thần cộng đồng, gắn kết hài hòa giữa cá nhân, gia đình, làng xã và Tổ quốc. Đời sống văn hóa dân gian, loại hình nghệ thuật khá phong phú. Để phát huy được nguồn lực quan trọng này, theo các nhà khoa học, Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư nói riêng cần xây dựng chiến lược có tầm nhìn dài hạn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để thực hiện chính sách phát triển công nghiệp văn hóa. Trước mắt có thể tập trung xây dựng các điểm nhấn để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Cố đô Hoa Lư, văn hóa Tràng An. Bảo tồn, phục dựng, phục hồi các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, khu đô thị cổ, làng cổ và các yếu tố văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian; Trên cơ sở đó, tạo ra cung đường khai thác du lịch kết hợp các giá trị di sản thiên nhiên. Khuyến khích sáng tạo và đa dạng trong việc phát triển, sử dụng không gian; khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đương đại, tạo ra cơ hội cho sự giao lưu và sáng tạo giữa các cộng đồng và du khách. Đặc biệt, là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch. Tạo ra các hoạt động và sự kiện cộng đồng nhằm tăng cường sự đoàn kết, niềm tự hào về bản sắc đô thị di sản thiên niên kỷ mà Ninh Bình đang hướng tới xây dựng. Toàn cảnh Hội thảo Với tư cách là đơn vị đồng tổ chức Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội - chủ trì điều hành Hội thảo phát biểu tổng kết tham luận: Hội thảo khoa học “Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ” là một trong những sự kiện quan trọng của thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư và Học viện Khoa học xã hội, Hội thảo là thông điệp mà các đơn vị đồng tổ chức, trong đó có các nhà khoa học đang trăn trở, ấp ủ để mong muốn Ninh Bình phát huy được văn hóa, lối sống Tràng An và việc xây dựng đô thị di sản Hoa Lư sau khi hai cơ quan hành chính là thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư được hợp nhất. Sau một ngày làm việc với 03 phiên tọa đàm theo chuyên đề với tinh thần làm việc trách nhiệm, hiệu quả, Hội thảo đã thu được những thành công bước đầu, hoàn thành tốt mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm, phối hợp, tham gia ý kiến, cung cấp tư liệu của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, viện nghiên cứu… Đây là nguồn tư liệu quý để giúp Ban tổ chức xây dựng và tổ chức thành công Hội thảo. Quá trình tổ chức, Hội thảo đã nhận được các báo cáo tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các viên nghiên cứu chuyên ngành hàng đầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, của các trường đại học và các nhà nghiên cứu, nhà quản lý của Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được hơn 20 ý kiến trao đổi, thảo luận, bình luận. Hầu hết các ý kiến đã tập trung và các vấn đề chính của Hội thảo: 1) Văn hóa, lối sống Tràng An - những vấn đề lý luận; 2) Vai trò của văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ; 3) Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ. Hội thảo cũng đã tập trung làm rõ đặc trưng cơ bản của văn hóa, lối sống Tràng An, ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa, lối sống Tràng An trong tiến trình lịnh sử dân tộc. Các giá trị văn hóa phản ảnh tư tưởng, sắc thái, bản tính làm nên hồn cốt, phẩm chất tốt đẹp của con người Tràng An. Ý kiến của các nhà khoa học cũng tập trung bàn luận nhằm đề ra các giải pháp phát huy các giá trị độc đáo, riêng có, tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của “văn hóa Tràng An” để xây dựng địa phương, xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, đề xuất cơ chế đặc thù nhằm bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Tràng An phục vụ xây dựng, kiến thiết thành phố Hoa Lư sau sắp xếp đô thị hành chính “đô thị di sản thiên niên kỷ”. Với các kết quả thu được từ Hội thảo, Ban tổ chức sẽ tiếp tục tham mưu để lãnh đạo tỉnh ủy, huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các địa phương trong quá trình sắp xếp, xây dựng “đô thị di sản thiên niên kỷ”. Mong muốn và kỳ vọng sự phát triển của một Đô thị Di sản thiên niên kỷ Hoa Lư trong tương lai gần, hiện đại và cổ kính, giữ gìn và bảo tồn được vốn cổ, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, giúp du lịch Hoa Lư - Tràng An cất cánh. Một số hình ảnh của các nhà khoa học tại Hội thảo: PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, cán bộ Học viện KHXH và các nhà khoa học dự Hội thảo GS.TS. Hồ Sỹ Quý phát biểu tại Hội thảo PGS.TS. Trần Đức Cường phát biểu tại hội thảo PGS.TS. Nguyễn Minh Tường báo cáo tham luận tại Hội thảo PGS.TS. Tống Trung Tín báo cáo tham luận tại Hội thảo PGS.TS. Hồ Việt Hạnh phát biểu tại Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện phát biểu tại Hội thảo Tin: Mai Hoa (và đồng nghiệp) Ảnh: Mai Hoa In bài viết
Thông báo về việc giới thiệu ứng viên tham gia HĐGS nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 và HĐGS ngành, liên ngành năm 2024 Thông báo về việc ứng viên ghi tên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024 Thông báo về việc xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại Học viện KHXH năm 2024 Hội thảo khoa học: “Nhà nước Pháp quyền trong quản lý phát triển ở Việt Nam” Thông báo kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Khoa học xã hội Danh sách ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại Hội đồng Giáo sư sơ sở Học viện Khoa học xã hội năm 2023 Thông báo về việc ứng viên ghi tên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023 Thông báo về việc bổ nhiệm lại chức danh GS, PGS tại Học viện Khoa học xã hội