Nghiên cứu khoa học

Hội thảo khoa học “Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ”

Ngày đăng: 17/09/2024 | Lượt xem: 406

Ngày 16/9, UBND thành phố Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư phối hợp với Học viện Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ”.

 

Tới dự có đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, chuyên viên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng lý luận Trung ương, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Học viện khoa học xã hội; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo huyện Hoa Lư; thành phố Ninh Bình; đại diện các xã, phường, thị trấn của 2 địa phương; lãnh đạo Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. 

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, lãnh đạo huyện Hoa Lư nhấn mạnh: Cố đô Hoa Lư nằm trong vùng lõi di sản, chứa đựng giá trị cảnh quan đặc sắc, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá và tín ngưỡng của người dân địa phương nói riêng, của người Việt nói chung. Các hoạt động du lịch, dịch vụ và bảo tồn di sản đã tạo nên giá trị kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân địa phương, từ đó thiết lập mối liên hệ hữu cơ giữa cộng đồng cư dân với di sản, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU năm 2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030, trong đó, đặt ra mục tiêu trong năm 2024 hoàn thành việc hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư, xây dựng thành phố Hoa Lư  trở thành đô thị loại 1 với đặc trưng “Đô thị di sản thiên niên kỷ”. Việc xây dựng và phát triển đô thị di sản xác định lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững, lấy văn hóa làm ngọn đuốc soi đường cho quá trình phát triển. Di sản văn hóa, con người Tràng An là giá trị vĩnh cửu, chứa đựng trong tâm thức người Tràng An cổ đến người Ninh Bình hiện đại hôm nay, là nền tảng để phát huy trong tiến trình xây dựng thành phố di sản niên niên kỷ hiện nay.

PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo hướng tới mục tiêu làm rõ những đặc trưng cơ bản, ý nghĩa, tầm quan trọng của “văn hóa Tràng An” trong tiến trình lịch sử của dân tộc; phát huy giá trị cốt lõi của “văn hóa Tràng An” để vận dụng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng con người Hoa Lư “thanh lịch, hiền hòa, thân thiện, mến khách”. Hội thảo cũng là tiền đề cho các đề xuất về chính sách, giải pháp nhằm phát huy các giá trị độc đáo, khơi dậy thế mạnh tiềm năng của di sản, làm nổi bật thế cạnh tranh của “văn hóa Tràng An” trong xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu Đô thị Di sản thiên niên kỷ trong tương lai. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng định hướng mục tiêu lan tỏa các giá trị cốt lõi của con người, vùng đất nơi đây, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên và người dân Hoa Lư - Ninh Bình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã gợi mở những vấn đề xuất phát từ thực tiễn địa phương để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận nhằm khơi dậy, phát huy lối sống, văn hóa Tràng An.

Nhấn mạnh các đặc điểm riêng có, độc đáo của Ninh Bình, như vị trí địa lý nằm trong không gian văn minh vùng châu thổ sông Hồng nói chung, có sự giao thoa của văn hóa châu thổ sông Mã và tiếp thu các yếu tố bên ngoài. Nơi đây, vừa là vùng văn hóa cổ, nhưng có những vùng đất mới với nếp sống của cư dân lấn biển tạo nên bản sắc riêng. Cư dân Ninh Bình có hai dân tộc chính là Kinh và Mường, đã cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng và bảo vệ dải đất quê hương từ thuở khai sơn phá thạch, dựng cơ đồ. 

Đặc biệt, đây là vùng đất hội tụ linh khí dân tộc, vị thế địa chính trị quan trọng. Vào thế kỷ X, người anh hùng Đinh Bộ Linh đã khởi dựng Nhà nước Đại Cồ Việt - quốc gia độc lập, tự chủ của dân tộc sau hơn 1 nghìn năm Bắc thuộc. Xưng Đế, đặt Quốc hiệu, định Niên hiệu, cho đúc đồng tiền riêng, xác lập đầy đủ những giá trị của chủ quyền quốc gia. Kinh đô Hoa Lư trên vùng đất này được hình thành đảm bảo đủ cả yếu tố thành và thị, hội tụ, quần cư của các tầng lớp cư dân nhiều vùng miền đến giao thương, giao lưu kinh tế, tạo nên nét đặc trưng riêng của cư dân đô thị cổ - văn hóa Hoa Lư. Là nền tảng quan trọng cho văn hóa Thăng Long sau này.

Người dân Ninh Bình cũng tự hào là nơi có nhiều tổ nghề, như: sản xuất gốm, đá mỹ nghệ, thêu tay, làng nghề sinh dược gắn với Thiền sư Nguyễn Minh Không – người được vinh danh là ông tổ nghề y dược và đúc đồng Việt Nam, cùng với đó là nghệ thuật hát chèo, hát xẩm. Những yếu tố này gắn kết với di sản thiên nhiên cảnh quan hàng đầu thế giới đã tạo nên sức hút lớn với du khách, nhất là khách quốc tế.

Nằm trong chiến lược xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, hội nhập sâu vào mạng lưới di sản toàn cầu, Ninh Bình định hướng đột phá về xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời để tài sản hóa di sản: như phim trường, công viên, bảo tàng. Vì vậy, thông qua Hội thảo, Ninh Bình mong muốn các nhà khoa học chia sẻ, tư vấn cách thức khơi dậy, phát huy bảo tồn, nuôi dưỡng, tái tạo di sản văn hóa Tràng An. Đặc biệt là định hình lối sống Tràng An, những cơ chế phù hợp để phát huy di sản văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.

Hội thảo có 3 phiên thảo luận chuyên đề về: Văn hóa, lối sống Tràng An - Những vấn đề lý luận; Vai trò của văn hóa và lối sống Tràng An trong xây dựng thành phố Hoa Lư - Đô thị di sản thiên niên kỷ ở Ninh Bình; Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư.

Với hơn 20 ý kiến tham luận, chia sẻ trực tiếp tại Hội thảo đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề. Trong đó, theo nhiều đại biểu, diện mạo và bản sắc của văn hóa Tràng An, mang đậm tính dân gian và tinh thần dân tộc tự chủ, đặc biệt ở thế kỷ thứ X, văn hóa Tràng An có vị trí mở đầu thời kỳ phục hưng văn hóa dân tộc. Vùng đất Ninh Bình địa linh, nhân kiệt đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử tiêu biểu, nhất là đức Đinh Tiên Hoàng, thánh Nguyễn Minh Không. Ở đó, đặc điểm nổi bật của văn hóa, lối sống con người Tràng An là lòng yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thể hiện lòng tự tôn, tự cường dân tộc. Cùng với đó là tinh thần cộng đồng, gắn kết hài hòa giữa cá nhân, gia đình, làng xã và Tổ quốc. Đời sống văn hóa dân gian, loại hình nghệ thuật khá phong phú.

Nhiều ý kiến cũng nêu rõ: văn hóa Tràng An đã khơi nguồn cho sự phục hưng của văn hóa Đại Việt, tiền đề cho sự phát triển của văn hóa Thăng Long. Đặc thù thiên niên kỷ của đô thị di sản là không gian đô thị đậm đặc dấu ấn lịch sử và văn hóa. Hoa Lư là Cố đô đầu tiên của quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, nơi phát tích sự nghiệp lẫy lừng của 8 đời vua trong 12 năm triều Đinh, 29 năm triều Tiền Lê và những năm đầu triều Lý. Ngày nay, Cố đô Hoa Lư đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt, nằm trong vùng lõi của Quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An - di sản hỗn hợp duy nhất ở Đông Nam Á. Văn hóa Hoa Lư, Tràng An là hồn cốt, đường dẫn để truyền tải liên tục, tạo dấu ấn riêng biệt cho đất và người Ninh Bình, là điểm tựa để Ninh Bình sáng tạo các giá trị vật chất, tinh thần mới, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giao lưu hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển bền vững các mặt đời sống xã hội cho cuộc sống hôm nay.

Để phát huy được nguồn lực quan trọng này, theo các nhà khoa học, Ninh Bình cần xây dựng chiến lược có tầm nhìn dài hạn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để thực hiện chính sách phát triển công nghiệp văn hóa. Trước mắt có thể tập trung xây dựng các điểm nhấn để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Cố đô Hoa Lư, văn hóa Tràng An. Bảo tồn, phục dựng, phục hồi các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, khu đô thị cổ, làng cổ và các yếu tố văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian; Trên cơ sở đó, tạo ra cung đường khai thác du lịch kết hợp các giá trị di sản thiên nhiên. Khuyến khích sáng tạo và đa dạng trong việc phát triển, sử dụng không gian; khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đương đại, tạo ra cơ hội cho sự giao lưu và sáng tạo giữa các cộng đồng và du khách. Đặc biệt, là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch. Tạo ra các hoạt động và sự kiện cộng đồng nhằm tăng cường sự đoàn kết, niềm tự hào về bản sắc đô thị di sản thiên niên kỷ mà Ninh Bình đang hướng tới xây dựng.

Phát biểu bế mạc hội thảo, lãnh đạo thành phố Ninh Bình nhấn mạnh: Sau một ngày làm việc khẩn trương với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, Hội thảo khoa học “Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ” đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các luận cứ khoa học, xác định các giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong thời gian tới.

(Nguồn: Truyền Hình Ninh Bình)

 

In bài viết