Ngày đăng: 12/01/2022 | Lượt xem: 1030 Sáng ngày 11/01, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Hội thảo còn nhận được sự quan tâm tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý cùng các đồng chí nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Phó Chánh án, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đại diện Ban chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; đại diện các cơ quan, ban ngành Trung ương… Theo báo cáo tại Hội thảo, thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Sau 20 năm thực hiện cải cách theo các Nghị quyết của Đảng, công tác cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của Tòa án. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những bất cập; công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như: chưa có sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp; một số nhiệm vụ được Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu (như chủ trương tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc đơn vị hành chính, cơ chế để bảo đảm tính độc lập của Tòa án); thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án cũng còn những hạn chế cần được tháo gỡ như: mâu thuẫn về chế độ chính sách và điều kiện bảo đảm, mâu thuẫn giữa áp lực công việc và biên chế.... Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó xác định rõ “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, xây dựng nền tư pháp nước nhà tương đồng với trình độ chung của thế giới. Cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả, nghiêm túc những nguyên tắc căn cốt trong hoạt động xét xử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân - cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Toàn cảnh hội thảo Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, có giá trị pháp lý và thực tiễn cao; về cơ bản thống nhất cao với 09 nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân trong thời gian tới gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp và tiến trình cải cách tư pháp. Xây dựng Cơ quan tư pháp (Tòa án) vì nhân dân, phục vụ nhân dân, để nhân dân cảm thụ được công bằng, lẽ phải và tin tưởng tư pháp; tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân. Xác định đầy đủ và khoa học về nội hàm quyền tư pháp, đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp và chủ thể thực hiện quyền tư pháp. Hoàn thiện về tổ chức của Cơ quan tư pháp (Tòa án). Đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp. Nâng cao chất lượng cán bộ Tòa án, đặc biệt là chức danh tư pháp, đảm bảo số lượng cần thiết tối thiểu, có cơ cấu các chức danh tư pháp hợp lý, chế độ chính sách của đảng đặc thù. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án chính quy, hiện đại, hoạt động hiệu quả. Xây dựng Tòa án điện tử tiến tới Tòa án số ở Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế. Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp thời gian qua mà các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra. Kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo và uy tín của Tòa án, xứng đáng với vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp hình lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham dự Hội thảo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và các đồng chí tham dự Hội thảo cần nghiên cứu, phân tích những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một Chiến lược cải cách tư pháp mới của Tòa án với quyết tâm chính trị cao, khẩn trương, đồng bộ; xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm; có chương trình, kế hoạch, lộ trình cải cách phù hợp theo hai phương diện sau: Tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ hết sức đúng đắn đã được Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đề xuất những giải pháp cải cách mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới. Trong đó tập trung vào các giải pháp cải cách về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng chế độ xét xử độc lập, công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là chức danh tư pháp, có chế độ chính sách phù hợp dành cho cán bộ Tòa án; tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án chính quy, hiện đại, hoạt động hiệu quả, trong đó chú trọng xây dựng, phát triển Tòa án điện tử ngang tầm với trình độ phát triển chung của thế giới… Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị và sự tích cực, chủ động, cầu thị cao trong công tác, lắng nghe ý kiến, khuyến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, Tòa án nhân dân tối cao sẽ hoàn thành xuất sắc việc nghiên cứu Chuyên đề “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, làm cơ sở đề xuất Ban Chấp hành Trung ương xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, góp phần tích cực vào việc hoạch định Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Nguồn: toaan.gov.vn) In bài viết
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Học viện Khoa học xã hội (Cơ sở Tp. HCM) và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai Thông báo về việc ứng viên ghi tên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022 Kết quả xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021 tại Hội đồng giáo sư cơ sở Học viện khoa học xã hội Hội thảo khoa học: “Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045: Lý luận và thực tiễn” Tọa đàm khoa học: Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013, thực trạng và triển vọng Hội thảo khoa học quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Hội thảo khoa học: “ Một số vấn đề lý luận – thực tiễn trong văn kiện đại hội XIII của Đảng” Công văn số 66/HĐGSNN về việc điều chỉnh lịch xét công nhận đạt tiểu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021