Ngày đăng: 08/11/2021 | Lượt xem: 1055 Ngày 05/11/2021, Học viện Khoa học xã hội, Viện Nhà nước và pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2045: Lý luận và thực tiễn” tại Học viện Khoa học xã hội, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Chủ trì hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện trưởng viện Nhà nước pháp luật thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo, các nhà khoa học của các đơn vị đồng tổ chức, cùng các nhà khoa học, và các học giả quan tâm. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện trưởng viện Nhà nước pháp luật thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thay mặt ban tổ chức phát biểu chào mừng Hội thảo trong phiên khai mạc, nêu rõ vai trò, ý nghĩa của Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo Tại Phiên toàn thể, có hai báo cáo được trình bày: Thứ nhất, GS.TS. Võ Khánh Vinh trình bày báo cáo “Tư duy về xây dựng chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đề cập đến chín vấn đề: Tư duy về tên gọi của Chiến lược; Tư duy về tầm nhìn của Chiến lược; Tư duy về cách tiếp cận xây dựng Chiến lược; Tư duy về mục tiêu của Chiến lược; Tư duy về các đột phá của Chiến lược; Tư duy về quan điểm của Chiến lược; Tư duy về các bộ phận cấu thành của Chiến lược; Tư duy về các định hướng, nhiệm vụ của Chiến lược; Tư duy về các phương tiện và giải pháp của Chiến lược. Thứ hai, GS.TS. Hoàng Thế Liên báo cáo tham luận “ Pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đề cập đến các vấn đề: Pháp luật trong nhà nước pháp quyền; Thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; Bất cập trong thi hành và tổ chức thi hành pháp luật. GS.TS. Võ Khánh Vinh trình bày báo cáo tại phiên toàn thể Sau phiên toàn thể, Hội thảo được chia thành các phiên chuyên đề: Phiên chuyên đề số 1: Chiến lược phát triển lý luận nhà nước, pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 do GS.TS. Võ khánh Vinh chủ trì và GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế đồng chủ trì. Trong phiên chuyên đề số 1 có: 24 bài tham luận được gửi đến và có 10 bài tham luận được trình bày tại Hội thảo. Số lượng các nhà khoa học tham gia hội thảo trực tuyến dao động trong số lượng từ 50 đến 85 người. Các vấn đề được thảo luận tại phiên chuyên đề này liên quan đến các vấn đề: Thứ nhất: Vấn đề về dân chủ và sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay đang rất được quan tâm Thứ hai: Nhận diện mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp ở Việt Nam. Thứ ba: Việc xây dựng, phát triển chính sách, pháp luật về bảo đảm chế độ dân chủ ở Việt Nam. Thứ tư: Tiêu chuẩn của nhà nước kiến tạo phát triển Việt Nam từ định hướng phát triển của Đại hội Đảng 13. Thứ năm: Các vấn đề hoàn thiện pháp luật về chính sách công ở Việt Nam hiện nay. Thứ sáu: Chiến lược xây dựng pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, định hướng phát triển 10 năm 2021 – 2030. Thứ bảy: Chiến lược xây dựng và phát triển án lệ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thứ tám: Xây dựng chính sách cán bộ cho hệ thống chính trị Việt Nam trong giai đoạn mới. Thứ chín: Xây dựng chính sách, pháp luật về an ninh con người, thực hiện mục tiêu phát triển con người Việt Nam. Thứ mười: Chính sách, pháp luật bảo đảm an ninh phi truyền thống trên biển cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Phiên chuyên đề số 1 Phiên chuyên đề số 2: Chiến lược phát triển luật công của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 do GS.TS. Hoàng Thế Liên chủ trì và PGS. TS. Nguyễn Đức Minh đồng chủ trì. Tại phiên chuyên đề số 2, GS.TS. Hoàng Thế Liên chia sẻ: “Với số lượng tổng các bài viết gửi đến là 50, sau khi cân nhắc, BTC đã chọn 10 báo cáo để trình bày tham luận tại Phiên 2, Các báo cáo tham luận mang tính đại diện các lĩnh vực luật công được lựa chọn làm các chủ đề gợi mở cho việc thảo luận của phiên. Đại biểu tham luận cũng mang tính đại diện cao khi đến từ các miền các cơ sở đào tạo nghiên cứu của cả nước”. Phiên chuyên đề số 2 Tại các phiên thảo luận, không khí học thuật rất sôi nổi. Buổi sáng, phiên thảo luận nhận được hàng chục câu hỏi của các chuyên gia Thảo luận về mô hình Hội đồng bảo hiến hạn chế mà PGS TS. Đặng Minh Tuấn đề xuất; Thảo luận về các vấn đề liên quan đến pháp quyền, quyền con người và dân chủ và mối liên quan giữa chúng. Tại sao vấn đề nhân quyền vẫn còn dè dặt trong xã hội? Tại sao Việt Nam không thể áp dụng mô hình tự quản địa phương như phương Tây dù tự quản địa phương cũng là một vấn đề của pháp quyền; Tại sao dân chủ ở cơ sở của ta chưa tốt; Bàn luận về việc có nên đưa vấn đề “Dân thụ hưởng” vào phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát”? Thảo luận về quan điểm của Chủ tịch Quốc hội khi nói “Quốc hội đồng hành cùng chính phủ”. Quan điểm này có phù hợp trong bối cảnh hiện nay và xây dựng nhà nước pháp quyền; Thảo luận về trách nhiệm giải trình của chính phủ. Buổi chiều, các nội dung thảo luận cũng rất sôi nổi với hàng chục câu hỏi xoay quanh những nội dung sau: Cách tiếp cận quản trị luật được áp dụng như thế nào trong tình trạng khẩn cấp như covid 19. Quản trị mở có hiệu quả không trong thế giới đầy biến động và nhiều rủi ro hiện nay, đặc biệt là khi Covid -19 như hiện nay. Nâng cao vai trò của hiệp hội để xây dựng nhà nước pháp quyền và đổi mới quản trị mở, quản trị dân chủ ở VN. Những vấn đề của mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và tự do hiệp hội. Bàn về khái niệm, nội hàm quyền tư pháp. Thực hiện quyền tư pháp có nghĩa là gì? Cải cách cơ quan điều tra theo hướng hiện đại. Thế nào là tiếp cận quyền trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tư pháp hình sự. Phiên chuyên đề số 3: Chiến lược phát triển luật tư của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 do PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh chủ trì và PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh đồng chủ trì. Phiên chuyên đề số 3 Ở chuyên đề số 3 có: 14 đại biểu tham dự trực tiếp; 120 người tham dự trực tuyến; có 11 báo báo được trình bày: Xây dựng, phát triển chính sách pháp luật tố tụng dân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến một số chế định của luật dân sự; Pháp điển hóa pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Quan điểm về bảo hộ tài sản trí tuệ do trí tuệ nhân tạo sáng tạo ra – định hướng xây dựng pháp luật Việt Nam; Chiến lược phát triển pháp luật trong lĩnh vực lao động; Xây dựng, phát triển chính sách, pháp luật để phát triển thị trường lao động Việt Nam, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; Xây dựng, phát triển chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trong giai đoạn phát triển mới; Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong bối cảnh mới; Nghiên cứu đánh giá sự cần thiết xây dựng dự án luật cứu trợ xã hội; Hoàn thiện chế độ sở hữu ở Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Các báo cáo và thảo luận đều chỉ ra thực trạng quy định pháp luật và thực trạng thực hiện pháp luật tư rất đa dạng, thời gian qua hệ thống pháp luật tư đã có những bước phát triển vượt bậc theo các xu hướng chung của quốc tế. Tuy nhiên, thực trạng quy định pháp luật và thực trạng thực hiện pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, các giải pháp chiến lược nhằm phát triển luật tư của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được báo cáo tham luận và đại biểu tại Hội thảo thảo luận cụ thể trong từng lĩnh vực về sở hữu trí tuệ; thương mại điện tử; lao động; đất đai; môi trường; trợ giúp xã hội, chế độ sở hữu… Phiên bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh tổng kết Hội thảo cho rằng, Hội thảo đã có được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp tâm huyết, có những ý tưởng độc đáo, những luận cứ khoa học rất thuyết phục, qua đó có cái nhìn tổng thể và sinh động hơn về định hướng về hoàn thiện pháp luật trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Những ý kiến của Hội thảo là những gợi ý cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật, gợi mở các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong tương lai. PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh cho rằng Hội thảo này đóng vai trò khởi động nên trong tương lai, rất nhiều vấn đề mà Hội thảo đã thảo luận ngày hôm nay sẽ trở thành các chủ đề cho nhiều cuộc hội thảo khác và lúc đó lại có cơ hội được thảo luận với nhau về các vấn đề xây dựng pháp luật Việt Nam. PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh phát biểu tại Hội thảo Tin: Minh Nguyệt Ảnh: Minh Nguyệt In bài viết
Thông báo về việc đăng ký hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 - năm 2023 Thông báo về việc xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại Học viện Khoa học xã hội Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Học viện Khoa học xã hội (Cơ sở Tp. HCM) và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai Thông báo về việc ứng viên ghi tên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022 Hội thảo khoa học về cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân Kết quả xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021 tại Hội đồng giáo sư cơ sở Học viện khoa học xã hội Tọa đàm khoa học: Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013, thực trạng và triển vọng Hội thảo khoa học quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững