Ngày đăng: 02/11/2021 | Lượt xem: 1794 Ngày 30 tháng 10 năm 2021, tại Học viện Khoa học xã hội, Diễn đàn Luật học VNLAW tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013”. Đây là tọa đàm thứ 10 trong chuỗi các tọa đàm khoa học theo ký kết hợp tác giữa Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội về Diễn đàn Luật học VNLAW – Diễn đàn trao đổi các vấn đề luật học và học thuật được diễn ra hàng tháng bằng hình thức tọa đàm trực tiếp và trực tuyến qua Zoom. Diễn giả trình bày tại buổi tọa đàm gồm: PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh - Phó Giám đốc phụ trách Học viện Khoa học xã hội. PGS.TS. Nguyễn Như Phát - Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật. TS. Nguyễn Văn Thuận - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. PGS.TS. Đặng Minh Tuấn - Phó chủ nhiệm bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tham dự trực tiếp tại hội trường buổi tọa đàm có các thầy giáo, cô giáo của Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và đại biểu các trường đại học, các viện nghiên cứu chuyên ngành. Ngoài ra, trên Zoom meetings của tọa đàm đã thu hút sự tham gia của 300 khách mời là giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học ở các cơ sở đào tạo và những người làm thực tiễn, người quan tâm đến chủ đề tọa đàm. Các diễn giả tại buổi tọa đàm: PGS.TS. Đặng Minh Tuấn, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, TS. Nguyễn Văn Thuận. Đại hội X của Đảng đã chỉ đạo phải “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” và “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Có thể khẳng định, cơ chế bảo hiến có vai trò gì trong việc duy trì và bảo vệ chế độ Nhà nước pháp quyền và nền dân chủ. Vì vậy, từ góc độ nghiên cứu, việc tìm hiểu và xây dựng cơ chế bảo hiến nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà luật học. Tại buổi tọa đàm, bằng kiến thức lý luận và thực tiễn chuyên sâu trong ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, các diễn giả đã đề cập một cách toàn diện về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam. Cụ thể gồm 4 nhóm vấn đề chính sau: Thứ nhất, quan niệm về cơ chế bảo hiến trên thế giới và nhu cầu xây dựng cơ chế bảo hiến ở Việt Nam hiện nay. Theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát, khái niệm về cơ chế bảo hiến cần được nhận thức theo nghĩa rộng không chỉ bao gồm bảo vệ trực tiếp các quy định của Hiến pháp mà cả các nội dung liên quan đến Hiến pháp. Xuất phát từ nội dung vô cùng quan trọng của Hiến pháp, nhu cầu thiết lập cơ chế bảo hiến là cần thiết đối với mọi quốc gia trong mọi giai đoạn phát triển. Ở Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng chung của quốc tế và xuất phát từ thực trạng hoạt động bảo hiến ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng cơ chế bảo hiến luôn được đặt ra trong quá trình hình thành và phát triển của đất nước nói chung và sự ra đời của các bản Hiến pháp nói riêng. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Như Phát đã đưa ra và phân tích sâu sắc các điều kiện, tiền đề để xây dựng cơ chế bảo hiến ở Việt Nam hiện nay. Thứ hai, khái quát một số mô hình bảo hiến trên thế giới và một số chế độ tài phán hiến pháp tiêu biểu trên thế giới như: Mô hình Tòa án tối cao và tòa án các cấp có chức năng bảo hiến – Mô hình Hoa Kỳ; Mô hình Toà án hiến pháp (Constitutional Court) hoặc Hội đồng bảo hiến (Constitutional Council)- Mô hình lục địa châu Âu; Mô hình cơ quan lập hiến đồng thời là cơ quan bảo hiến. PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh đã chỉ ra rằng, Tòa án bảo hiến không phải là một công cụ vạn năng, việc xây dựng một cơ quan bảo hiến độc lập là vô cùng cần thiết. Đồng thời, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh đã đưa ra một số chế độ tài phán hiến pháp tiêu biểu trên thế giới như: Đức; Hoa Kỳ và các nước ASEAN, từ đó cho thấy việc xây dựng một cơ quan bảo hiến ở Việt Nam là phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời quy trình xây dựng cơ quan bảo hiến cũng cần được chú trọng. Thứ ba, từ thực trạng cơ chế bảo hiến của thế giới đương đại, TS. Nguyễn Văn Thuận đã đánh giá một số vấn đề về hoạt động bảo hiến của Việt Nam thông qua các bản biến pháp từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013. Cơ chế bảo hiến của Việt Nam dù chưa xác định rõ nguyên tắc và mô hình bảo hiến, song cơ chế bảo hiến ở Việt Nam đã có sự tiến bộ theo thời gian qua các bản hiến pháp. Từ việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, TS. Nguyễn Văn Thuận diễn giả đã đánh giá xu hướng xây dựng cơ chế bảo hiến ở Việt Nam trong thời gian tới. Thứ tư, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn đã giới thiệu cụ thể về mô hình Hội đồng hiến pháp khả thi cho Việt Nam. Trong mô hình đó, vai trò cua Tòa án nhân dân được làm rõ hơn về vị trí, chức năng và nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp. Đồng thời, các diễn giả đã trao đổi rất nhiều đến việc xây dựng các mô hình bảo hiến ở Việt Nam cũng như những thách thức trong việc thành lập và hoạt động của mô hình bảo hiến ở Việt Nam trong thời gian tới. Trong phần thảo luận mở, buổi tọa đàm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu đến từ nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau. Bên cạnh các vấn đề mà diễn giả đã trao đổi, buổi tọa đàm còn nhận được rất nhiều ý kiến, bình luận đóng góp, cũng như quan điểm đa chiều của các nhà khoa học. Có thể nói, chủ đề của buổi Tọa đàm rất hay, mang tính thời sự sâu sắc, do đó buổi Tọa đàm thu hút số lượng đại biểu tham dự trực tuyến rất đông và được các nhà khoa học đánh giá cao. Toàn cảnh tọa đàm trực tiếp tại Học viện Khoa học xã hội. Trên cơ sở triển khai thực hiện các nội dung ký kết hợp tác giữa Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội và tiếp nối thành công của 10 buổi tọa đàm, Diễn đàn Luật học VNLAW sẽ tiếp tục thực hiện các buổi tọa đàm trao đổi về vấn đề luật học và học thuật hàng tháng. Các buổi tọa đàm sẽ được tổ chức tại hội trường hai đơn vị chủ trì là Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời có kết nối trực tuyến qua Zoom để đáp ứng nhu cầu tham dự của đại biểu quan tâm. Các diễn giả và đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm. Tin: Thanh Lý Ảnh: Thanh Lý In bài viết
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Học viện Khoa học xã hội (Cơ sở Tp. HCM) và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai Thông báo về việc ứng viên ghi tên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022 Hội thảo khoa học về cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân Kết quả xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021 tại Hội đồng giáo sư cơ sở Học viện khoa học xã hội Hội thảo khoa học: “Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045: Lý luận và thực tiễn” Hội thảo khoa học quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Hội thảo khoa học: “ Một số vấn đề lý luận – thực tiễn trong văn kiện đại hội XIII của Đảng” Công văn số 66/HĐGSNN về việc điều chỉnh lịch xét công nhận đạt tiểu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021