Ngày đăng: 26/01/2021 | Lượt xem: 2295 “Diễn đàn Luật học VNLAW” (Tên tiếng Anh: Siries Vietnam Law & Legal Forum) là diễn đàn trao đổi các vấn đề luật học hàng tháng giữa Học viện Khoa học xã hội và Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội, được tổ chức cố định từ 19h đến 21h ngày thứ 3, tuần thứ 3 hàng tháng và luân phiên tại 2 đơn vị chủ trì (có kết nối trực tuyến Zoom). Nối tiếp thành công của Tọa đàm số 01 và Tọa đàm số 02, Ngày 19 tháng 01 năm 2021, tại Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Diễn đàn Luật học VNLAW diễn ra buổi tọa đàm số 03 với chủ đề “Các hiện tượng tôn giáo mới và chính sách, pháp luật của Việt Nam”. Toàn cảnh tọa đàm Diễn giả trình bày tại buổi tọa đàm số 03 là PGS.TS Ngô Hữu Thảo - Nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện CTQG HCM, hiện là Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn công tác tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và NCS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Chủ nhiệm đề tài NCKH cấp Bộ “Giải pháp ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của các hiện tượng tôn giáo mới ở Tây Nguyên hiện nay”, Ban tôn giáo Chính phủ Bộ Nội vụ. Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hình sự, Khoa Luật, ĐHQGHN, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hình sự, Khoa Luật, ĐHQGHN, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng phòng QLKH&HTPT, Khoa Luật, ĐHQGHN và các chuyên gia, nhà khoa học tham gia trực tiếp. Qua ứng dụng Zoom, Tọa đàm thu hút gần 70 khách mời là giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học ở hai cơ sở đào tạo. Diễn giả của Tọa đàm: PGS.TS Ngô Hữu Thảo (giữa) và NCS. Nguyễn Thị Diệu Thúy (ngoài cùng bên trái) Buổi tọa đàm gồm 2 phần: Phần 1 – Diễn giả trao đổi và thảo luận các chủ đề các câu hỏi của Diễn đàn; Phần 2 – Thảo luận mở cho tất cả những người tham gia trực tiếp và qua Zoom. Trong phần 1, ban tổ chức tọa đàm đã tổng hợp các câu hỏi về 3 nhóm vấn đề: Nhóm 1: Bản chất, thực trạng hiện tượng tôn giáo mới Theo diễn giả, hiện tượng tôn giáo mới/ phong trào tôn giáo mới xuất hiện ở thập niên 70 của thế kỉ 20 với 1 số hình thái khác biệt so với các tôn giáo truyền thống. Việt Nam chưa có định nghĩa thống nhất về hiện tượng này nhưng có thể xác định được 4 đặc điểm: có tính tôn giáo; có giáo chủ; cơ cấu lỏng lẻo; được nhào lặn từ các tôn giáo chủ lưu nhưng chủ yếu là từ tín ngưỡng dân gian nên sẽ phù hợp hơn nếu gọi là đạo lạ; người khởi xướng tự nhận là đại diện cho đấng quyền năng; có tính thiểu số. Có khác biệt với những hiện tượng tôn giáo mới ở phương Tây. Trong đó có thể chia thành các hiện tượng tôn giáo mới nội sinh và ngoại nhập. Nhóm 2: Quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hiện tượng tôn giáo mới Theo đó, về chính sách của đảng có Nghị quyết 24 -NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003, Chỉ thị số 18 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương; về phía pháp luật có thể kể đến Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 và Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 cùng các văn bản hướng dẫn. Thực trạng cho thấy các địa phương đã kịp thời nắm bắt được sự hình thành và hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới; bộ máy quản lí đã dần chuyên nghiệp. Nhóm 3: Giải pháp đối với hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta. Trong phần này, các diễn giả cho rằng giải pháp chung là nâng cao và thống nhất nhận thức, phân loại và xây dựng chính sách cụ thể; đẩy mạnh đáp ứng các nhu cầu xã hội; coi trọng vận động quần chúng. Trong đó, các giải pháp cụ thể mà diễn giả đưa ra là nhấn mạnh vai trò của mặt trận Tổ quốc, đổi mới vận động quần chúng ngoài ra cũng cần nhận diện đúng bản chất của các hiện tượng, sớm ban hành cơ sở pháp lí cho việc xử lí các vi phạm. Phần 2, Phần thảo luận mở tại buổi tọa đàm. Trong phần thảo luận mở này, Diễn đàn đã thu hút hàng chục câu hỏi, chia sẻ của đại biểu tham dự tại hội trường và thảo luận online qua Zoom. Tại phần thảo luận của Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cùng nêu ý kiến đóng góp, bình luận về chủ đề của Tọa đàm và nêu các câu hỏi gửi tới diễn giả. PGS. TS. Chu Hồng Thanh cho rằng không nên gọi là các hiện tượng tôn giáo mới bởi khi có đủ các đặc điểm thì chính thức gọi là tôn giáo và đòi hỏi bảo hộ đầy đủ từ nhà nước. PGS. Vũ Công Giao cũng cho rằng nhà nước có thể đặt ra những giới hạn nhưng vẫn phải bảo đảm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. PGS cũng mong muốn diễn giả có thể trao đổi thêm về pháp luật của một số quốc gia khác; quan điểm chính thức của nhà nước ta đối với pháp luân công là gì; nhà nước ta có khuyến khích các hiện tượng mới này không? Diễn giả và đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm. Chủ đề của Tọa đàm số 04 dự kiến là “Thách thức pháp lý trong quá trình chuyển đổi số 4.0 ở Việt Nam”. Diễn giả là PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh (Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội) và TS. Nguyễn Văn Cương (Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) đồng chủ trì. Buổi Tọa đàm số 04 dự kiến diễn ra ngày 24 hoặc 25 tháng 02 năm 2021, khung giờ cố định 19-21h. Kính mời Quý thầy cô, các bạn NCS và học viên cao học quan tâm đón nghe. Tin: Minh Giang Ảnh: Đinh Mai In bài viết
Thông báo kế hoạch họp Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Khoa học xã hội năm 2024 Thông báo về việc giới thiệu ứng viên tham gia HĐGS nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 và HĐGS ngành, liên ngành năm 2024 Thông báo về việc ứng viên ghi tên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024 Thông báo về việc xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại Học viện KHXH năm 2024 Hội thảo khoa học: “Nhà nước Pháp quyền trong quản lý phát triển ở Việt Nam” Thông báo kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Khoa học xã hội Danh sách ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại Hội đồng Giáo sư sơ sở Học viện Khoa học xã hội năm 2023 Thông báo về việc ứng viên ghi tên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023