Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học “Xây dựng pháp luật quản lý tiền ảo, kinh nghiệm trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam”

Ngày đăng: 12/05/2025 | Lượt xem: 250

       Ngày 10 tháng 5 năm 2025, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Vũ Thùy Linh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học; Chuyên ngành: Luật Kinh tế; Mã số: 9 38 01 07; Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa.

 

NCS. Vũ Thùy Linh chụp ảnh lưu niệm cùng hội đồng

Mục đích nghiên cứu:

       Luận án đưa ra các kiến nghị nhằm xây dựng mô hình pháp luật quản lý tiền ảo ở Việt Nam dựa trên việc nghiên cứu, so sánh hệ thống pháp luật quản lý tiền ảo ở một số quốc gia trên thế giới cùng thực trạng sở hữu, giao dịch, lưu thông sản phẩm công nghệ mới này.

Đóng góp mới của luận án

       Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu về pháp luật quản lý tiền ảo của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của luận  án đã góp phần làm rõ hơn về bản chất của một loại tiền mới, nội dung pháp luật quản lý tiền ảo, những lợi ích cũng như thách thức mà các quốc gia trên thế giới gặp phải, từ đó xác định những vấn đề cần thiết trong việc hoạch định lộ trình xây dựng khung pháp lý đối với việc quản lý tiền ảo ở Việt Nam.

Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

         Về mặt lý luận: Luận án đã góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận về tiền ảo, trên cơ sở làm rõ

khái niệm về “tiền ảo”, đặc điểm của tiền ảo để phân biệt được tiền ảo với các loại tiền khác. Từ đó, luận án đã xây dựng được khung lý luận về pháp luật quản lý tiền ảo thông qua xác định các nội dung pháp luật quản lý tiền ảo, vai trò và tầm quan trọng của pháp luật quản lý tiền ảo trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

       Luận án đã từ nhiều góc cạnh nhận thức về tiền ảo của các quốc gia trên thế giới để hệ thống hóa kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong xây dựng pháp luật quản lý tiền ảo. Trên cơ sở đó nhận định những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong xây dựng pháp luật quản lý tiền ảo.

        Về thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận án đã góp phần làm rõ các xu hướng pháp luật về quản lý tiền ảo của các nước trên thế giới một cách hệ thống và đầy đủ hơn, từ đó làm cơ sở để nhận định những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong xây dựng pháp luật quản lý tiền ảo;

       Kết quả nghiên cứu của luận án cũng đã góp phần phân tích thực trạng pháp luật quản lý tiền ảo của Việt Nam trong thời gian qua, trên cơ sở đó nhận định những hạn chế đang tồn tại như: hành lang pháp lý vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý tiền ảo khiến cho việc thực thi pháp luật quản lý tiền ảo còn hạn chế, hàng loạt các tội phạm mới liên quan đến tiền ảo (rửa tiền, tiếp tay cho khủng bố, tội phạm xâm phạm quyền sở hữu,…) dẫn đến nguy cơ đến từ cơn sốt tiền ảo…

       Các giải pháp được đề xuất trong luận án nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý tiền ảo hiệu quả. Đây là những giải pháp mang tính thực tiễn, được rút ra từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về pháp luật quản lý tiền ảo và thực tiễn quản lý tiền ảo của Việt Nam trong thời gian qua;

      Kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành Luật khi tìm hiểu về các khía cạnh pháp luật quản lý tiền ảo.                       

   Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

Tin: Minh Nguyệt

In bài viết