Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Hán Nôm “Nghiên cứu văn bia Hậu tỉnh Thái Bình”

Ngày đăng: 08/01/2025 | Lượt xem: 159

       Ngày 03 tháng 01 năm 2025, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh  Xuân, Hà Nội, NCS. Bùi Quốc Linh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Hán Nôm; Mã số: 9.22.01.04; Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường; 2. PGS.TS Trần Trọng Dương.

 

NCS. Bùi Quốc Linh chụp ảnh cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ.

Mục đích nghiên cứu của luận án

       Mục đích nghiên cứu của luận án đặt ra là nghiên cứu nhóm tư liệu văn bia Hậu của tỉnh Thái Bình trên cả 2 phương diện hình thức và nội dung để làm nổi bật những đặc điểm đặc sắc của nhóm tư liệu này. Thông qua nội dung của văn bia Hậu phản ánh, luận án đi sâu vào tìm hiểu các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, sinh hoạt tôn giáo-tín ngưỡng… của cộng đồng dân cư tại địa phương.

Những đóng góp mới về khoa học của luận án

       Có thể coi đây là nghiên cứu đầu tiên về toàn thể các loại hình văn bia Hậu trên một phạm vi địa bàn cấp tỉnh. Nó sẽ cung cấp một cái nhìn khách quan, khoa học về diễn tiến hình thành, phát triển của văn bia Hậu cũng như tục thờ cúng Hậu tại một địa phương cụ thể, đồng nhất về mặt văn hóa và dân cư.

       Luận án này đã đóng góp vào việc nghiên cứu tư liệu văn bia của tỉnh Thái Bình. Đây là một “mảnh đất” còn trống vắng, chưa được khai thác trong các nghiên cứu khoa học xã hội về địa phương và nền khoa học xã hội nước nhà.

      Các kết quả thống kê, tính toán của nghiên cứu này thực hiện như: tổng số lượng văn bia Hậu của tỉnh, số lượng văn bia Hậu theo danh vị, giới tính của đối tượng cung tiến, số lượng tài sản cung tiến (tiền, ruộng) qua các thời kỳ… sẽ là cơ sở để tiến hành so sánh, đối chiếu với kết quả thống kê của các địa phương khác trong cả nước. Góp phần nghiên cứu trên diện rộng về lịch sử cung tiến Việt Nam và tục thờ cúng Hậu.

      Các trường hợp nghiên cứu mà chúng tôi khai thác ở mẫu dữ liệu văn bia Hậu tỉnh Thái Bình được trích dẫn trong luận án sẽ góp phần vào việc định nghĩa lại khái niệm các khái niệm danh vị Hậu và truy nguyên về nguồn gốc hình thành, phát triển của tục thờ cúng Hậu.

       Ý nghĩa về mặt lý luận: Luận án giúp định nghĩa lại các khái niệm xuất hiện trong văn bia Hậu và được sử dụng trong tục thờ cúng Hậu dựa trên một khối tư liệu đồng nhất từ một trường hợp nghiên cứu địa phương cụ thể.

       Từ những số liệu là kết quả thống kê, tính toán chúng tôi đã góp phần vẽ nên một biểu đồ thời gian (Time chart) sự phát triển của tục thờ cúng Hậu và văn bia Hậu. Góp phần dự báo về diễn trình thay đổi của tục thờ này trong tương lai.

       Ý nghĩa về mặt thực tiễn: Luận án này giúp kiểm chứng lại kết quả nghiên cứu của các học giả tiền bối như Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin về sự ra đời của văn bia Hậu tại địa phương Thái Bình.

       Kết quả của luận án có thể dùng làm tài liệu cho các nhà nghiên cứu ở các ngành khoa học xã hội ngành như: Xã hội học, Sử học, Văn hóa học, Tôn giáo học, Nhân học…  khi bước chân vào vấn đề nghiên cứu về hoạt động cung tiến cho tôn giáo ở Việt Nam cũng như nghiên cứu về tục thờ cúng Hậu.

       Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ được kết nối với những nghiên cứu khác cùng loại trong dự án Vietnamica để tạo nên một bức tranh toàn cảnh về lịch sử cung tiến của Việt Nam và tục thờ cúng Hậu.

   Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

 

Tin: Võ Thương

Ảnh: Võ Thương