Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Công tác xã hội “Dịch vụ công tác xã hội đối với người cai nghiện ma túy bằng methadone tại Thành phố Hồ Chí Minh”

Ngày đăng: 22/11/2024 | Lượt xem: 266

       Ngày 18 tháng 11 năm 2024, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, NCS. Ngô Thị Lệ Thu đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Công tác xã hội; Chuyên ngành: Công tác xã hội; Mã số: 9.76. 01.01; Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện và TS. Nguyễn Minh Tuấn.

 

NCS. Ngô Thị Lệ Thu chụp ảnh lưu niệm

Mục đích nghiên cứu

       Luận án Nghiên cứu lý luận và thực tiễn dịch vụ công tác xã hội đối với người cai nghiện ma túy bằng Methadone tại Thành phố Hồ Chí Minh; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ công tác xã hội với người cai nghiện ma túy bằng Methadone. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chất lượng dịch vụ công tác xã hội đối với người cai nghiện ma túy bằng methadone tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đóng góp mới về khoa học của luận án

       Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy, Người cai nghiệm ma túy (NCNMT) bằng methadone có nhu cầu sử dụng DVCTXH. Trong đó, nhu cầu sử dụng DVCTXH hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe thể chất được ưu tiên nhất. Mặc dù họ vẫn thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn về tâm lý, sinh kế, pháp lý nhưng nhu cầu sử dụng DVCTXH trong các lĩnh vực này còn khá thấp. Nhìn chung, điểm nhu cầu đối với DVCTXH của NCNMT bằng methadone còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên được xác định là do NCNMT thiếu thông tin nên không nhận thức đầy đủ, chính xác về DVCTXH. Bên cạnh đó, một bộ phận NCNMT bằng Methadone thiếu niềm tin đối với các DV được cung cấp bởi CTXH;

      Thứ hai, mức độ sử dụng các loại hình DVCTXH có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó, nhóm DVCTXH hỗ trợ y tế, CSSKTC được sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là DV hỗ trợ tiếp cận và duy trì sử dụng Methadone. Điều đó cho thấy các vấn đề về sức khỏe, y tế không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt của NCNMT mà còn từ các cơ quan/tổ chức cung ứng DVCTXH. Ngược lại, các DV hỗ trợ về tâm lý, sinh kế, pháp lý còn khá mờ nhạt và chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài các hình thức cung cấp DV trực tiếp truyền thống, các ứng dụng công nghệ như điện thoại, chat trực tuyến... đã được nhân viên CTXH triển khai trong quá trình cung cấp DV. Nhìn chung, CTXH mới chỉ cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ cơ bản, trong khi đó, các dịch vụ hỗ trợ chuyên môn sâu vẫn còn thiếu và yếu. Việc triển khai DV chưa mang tính đồng độ, còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ CTXH của NCNMT ngày càng cao, vì vậy dịch vụ này còn nhiều cơ hội để phát triển nếu có những giải pháp phù hợp;

       Thứ ba, luận án đã phân tích các đánh giá của NCNMT về ảnh hưởng của 06 nhóm yếu tố đến việc sử dụng và chất lượng của DVCTXH và bước đầu xác định một số yếu tố như: Đặc điểm cá nhân, gia đình, nhân viên CTXH, cơ sở cung cấp DVCTXH, cộng đồng và hệ thống pháp luật, chính sách;

      Thứ tư, dựa trên thực trạng dịch vụ CTXH đối với NCNMT, luận án đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chất lượng DVCTXH đối với NCNMT bằng Methadone thông qua việc tăng cường sự tham gia của NCNMT và gia đình họ; nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên CTXH; cải thiện cơ sở vật chất và chuẩn hóa quy trình làm việc tại các cơ sở cung ứng dịch vụ CTXH; xóa bỏ sự kỳ thị cũng như phát huy nguồn lực tại cộng đồng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách có liên quan;

       Thứ năm, vai trò của yếu tố “năng lực nhân viên CTXH” đối với việc nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH đã được xem xét làm cơ sở tiến hành thực nghiệm. Kết quả thực nghiệm cho thấy, biện pháp nâng cao năng lực chuyên môn của NVCTXH thông qua phương pháp CTXH nhóm bước đầu có tính khả thi. Việc trang bị và phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp sẽ giúp NVCTXH thực hiện tốt các yêu cầu của công việc cũng như nhu cầu của NCNMT bằng Methadone khi tiếp cận và sử dụng DV.

Ý nghĩa của luận án

       Ý nghĩa lý luận: Trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu về CTXH đối với NCNMT bằng Methadone, luận án đã bổ sung một số vấn đề lý luận có liên quan về đề tài như: Người cai nghiện ma túy bằng Methadone, dịch vụ công tác xã hội đối với người cai nghiện ma túy bằng Methadone. Đồng thời, các yếu tố ảnh hưởng đến DVCTXH đối với NCNMT bằng Methadone đã được khái quát hóa. Như vậy, việc nghiên cứu đề tài đã góp phần làm hệ thống lý luận về DVCTXH đối với NCNMT thêm phong phú và hướng dần về sự hoàn thiện.

      Ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận án đã làm rõ thực trạng nhu cầu của NCNMT bằng Methadone với DVCTXH, cũng như thực trạng DVCTXH đối với NCNMT bằng Methadone tại TP.HCM. Mặt khác, kết quả nghiên cứu có thể là nguồn tài liệu tham khảo của các nhà nghiên cứu, giảng viên, NVCTXH để thực hiện các hoạt động nghiên cứu hay thực hành, đào tạo sau này.

   Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

 

 

Tin: Minh Nguyệt