Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học “Trách nhiệm sản phẩm của nhà cung ứng hàng hóa theo pháp luật Việt Nam hiện nay”

Ngày đăng: 01/11/2024 | Lượt xem: 536

Ngày 25 tháng 10 năm 2024, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Lại Sơn Tùng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học; Chuyên ngành: Luật Kinh tế; Mã số: 9 38 01 07; Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Mai Thanh.

 

NCS. Lại Sơn Tùng chụp ảnh lưu niệm cùng hội đồng

Mục đích nghiên cứu:

Mục đích nghiên cứu của luận án là trên cơ sở làm rõ những luận cứ khoa học và đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật nhằm đề xuất phương hướng, giải pháp thích hợp góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về trách nhiệm sản phẩm (TNSP) của nhà cung ứng hàng hóa (CƯHH) ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đóng góp mới của luận án

Thứ nhất, luận án đã phân tích lý luận về TNSP và lý luận pháp luật về TNSP của nhà CƯHH; trong đó phân tích các thành tố thành phần xác định TNSP của nhà CƯHH; cơ sở pháp luật điều chỉnh những vấn đề liên quan đến TNSP của nhà CƯHH.

Thứ hai, phân tích và đánh giá một cách có hệ thống thực trạng pháp luật hiện hành và thực tiễn thực hiện pháp luật của Việt Nam về TNSP của nhà CƯHH trong mối quan hệ với TNSP của nhà sản xuất và trong mối quan hệ với bên chịu thiệt hại là NTD.

Thứ ba, trên cơ sở những phân tích, đánh giá được nêu ở trên, luận án đưa ra các phương hướng, giải pháp cụ thể góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về TNSP của nhà CƯHH ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.          

Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

Về mặt lý luận, luận án đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về TNSP và lý luận pháp luật về TNSP của nhà CƯHH; phân tích, đánh giá cụ thể thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về TNSP của nhà CƯHH ở Việt Nam, qua đó tạo cơ sở cho việc đề xuất các phương hướng, giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về TNSP của nhà CƯHH ở Việt Nam trong thời gian tới.

Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy ở bậc đại học, sau đại học tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật; có giá trị tham khảo đối với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về TNSP của nhà CƯHH ở Việt Nam.     

Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

Tin: Minh Nguyệt

In bài viết