Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Tâm lý học “Sức khỏe tâm thần của công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương”

Ngày đăng: 22/10/2024 | Lượt xem: 242

       Ngày 17 tháng 10 năm 2024, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh  Xuân, Hà Nội, NCS. Nguyễn Văn Thăng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Tâm lý học; Mã số: 9.31.04.01; Người hướng dẫn khoa học: 1. TS Đỗ Thị Lệ Hằng; 2. TS Đồng Văn Toàn.

 

 

 

Toàn cảnh Hội đồng chấm luận án tiến sĩ.  

 Mục đích nghiên cứu của luận án.

       Nghiên cứu lý luận và làm rõ thực trạng mức độ biểu hiện sức khỏe tâm thần (SKTT) của công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương. Đánh giá các yếu ảnh hưởng đến SKTT của công nhân, chỉ ra mối quan hệ giữa SKTT với tình trạng kiệt sức nghề nghiệp (KSNN), sự gắn kết với doanh nghiệp và chất lượng cuộc sống của công nhân từ đó đề xuất một số kiến nghị giúp công nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trong việc chăm sóc, hỗ trợ nâng cao SKTT cho công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Những đóng góp mới về khoa học của luận án.

Đóng góp về mặt lý luận

       Kết quả phân tích, tổng hợp lý luận của luận án góp phần làm rõ nội hàm SKTT là khái niệm đa chiều, đó không chỉ là trạng thái khỏe mạnh về tâm trí mà là một phổ trải dài từ các đau khổ tâm lý đến chiều cạnh tâm lý tích cực, an lạc, hạnh phúc của con người. Đây là đóng góp quan trọng về mặt lý luận để mở rộng nội hàm khái niệm SKTT. Bên cạnh đó, luận án xây dựng được các khái niệm như: SKTT; công nhân; SKTT của công nhân, SKTT tổng quát, rối loạn CNXH, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm (LÂ-TC), mất tự tin và cảm nhận hạnh phúc (CNHP) góp phần làm phong phú thêm hệ thống lí luận về SKTT của công nhân từ góc độ tâm lý học.

      Luận án cũng chỉ ra biểu hiện SKTT của công nhân qua bốn chiều cạnh cơ bản đó là: rối loạn CNXH, rối loạn hỗn hợp LÂ-TC, mất tự tin và CNHP. Các yếu tố như sự kỳ vọng, khả năng tự phục hồi, HTXH và lối sống có ảnh hưởng đến SKTT của công nhân. SKTT có mối quan hệ với một số hiện tượng tâm lý xã hội như KSNN, sự gắn kết với doanh nghiệp và chất lượng cuộc sống (CLCS) của công nhân.

Đóng góp về mặt thực tiễn

       Luận án đã phân tích làm rõ thực trạng SKTT tổng quát của công nhân tại các KCN tỉnh Bình Dương và xem xét biểu hiện SKTT của công nhân qua bốn chiều cạnh: rối loạn CNXH, rối loạn hỗn hợp LÂ-TC, mất tự tin, CNHP với các mức độ từ có SKTT “Tốt/khỏe mạnh”- không có rối loạn tâm thần đến mức có rối loạn tâm thần “Nghiêm trọng”.

      Luận án chỉ ra các yếu tố như: sự kỳ vọng, tự phục hồi, hỗ trợ xã hội (HTXH) và lối sống có ảnh hưởng và là nhân tố bảo vệ SKTT của công nhân tại các KCN tỉnh Bình Dương. Kết quả nghiên cứu cũng xác nhận: mức độ nghiêm trọng của các rối loạn CNXH, rối loạn hỗn hợp LÂ-TC và mất tự tin làm gia tăng tình trạng KSNN ở công nhân; những công nhân có CNHP càng cao thường có xu hướng gắn kết hơn với doanh nghiệp và cảm nhận CLCS tốt hơn.

      Ý nghĩa về mặt lý luận: Kết quả nghiên cứu lý luận của luận án đã đóng góp cho chuyên ngành Tâm lý học, làm phong phú thêm hệ thống lý luận về SKTT nói chung, SKTT của công nhân nói riêng. Những tri thức lý luận này góp phần nâng cao nhận thức về SKTT và làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh các chuyên ngành Tâm lý học, Công tác xã hội, Y tế công cộng tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu, đồng thời gợi mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo về SKTT của công nhân.

       Ý nghĩa về mặt thực tiễn: Các kết quả nghiên cứu thực trạng SKTT của công nhân tại các KCN tỉnh Bình Dương, thực trạng mức độ biểu hiện SKTT tổng quát của công nhân và bốn chiều cạnh tiềm ẩn gồm rối loạn CNXH, rối loạn hỗn hợp LÂ-TC, mất tự tin, CNHP làm cơ sở cho việc xây dựng biện pháp chăm sóc, hỗ trợ SKTT cho công nhân tại các KCN tỉnh Bình Dương

       Thông qua việc phát hiện các yếu tố ảnh hưởng cũng như dự báo mức độ tác động của bốn yếu tố: sự kỳ vọng, khả năng tự phục hồi, HTXH, lối sống đến SKTT của công nhân -  đây là các nhân tố góp phần bảo vệ SKTT công nhân. Luận án đã chứng minh SKTT của công nhân có tác động tiêu cực đến tình trạng KSNN, CNHP làm gia tăng sự gắn kết với doanh nghiệp và mức độ cảm nhận CLCS ở công nhân. SKTT kém không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi công nhân mà còn ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp. Đây là những gợi ý quan trọng trong việc xây dựng các biện pháp can thiệp, hỗ trợ tâm lý, chăm sóc SKTT của công nhân trong thực tiễn tại các KCN tại Bình Dương.

       Những kết luận và kiến nghị dựa trên bằng chứng khoa học giúp công nhân nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc SKTT, là căn cứ để lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách, mô hình chăm sóc SKTT của công nhân tại các KCN tỉnh Bình Dương.

   Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

 

 

Tin: Võ Thương

Ảnh: Võ Thương