Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Tâm lý học “Sức khoẻ tâm thần của trẻ em mồ côi thành phố Hồ Chí Minh”

Ngày đăng: 22/10/2024 | Lượt xem: 214

       Ngày 17 tháng 10 năm 2024, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh  Xuân, Hà Nội, NCS. Lê Thị Hằng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Tâm lý học; Mã số: 9.31.04.01; Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy; 2. TS. Phan Thị Thanh Hương.

 

Toàn cảnh Hội đồng chấm luận án tiến sĩ.  

 Mục đích nghiên cứu của luận án.

        Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, đánh giá thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần (SKTT) ở trẻ em mồ côi thành phố Hồ Chí Minh, đề tài đề xuất một số kiến nghị nhằm chăm sóc tốt hơn SKTT cho trẻ em mồ côi.

Những đóng góp mới về khoa học của luận án.

Đóng góp về mặt lý luận

       Kết quả nghiên cứu của luận án đóng góp thêm về lý luận SKTT trẻ em mồ côi. Luận án cũng góp phần làm rõ thêm mối quan hệ giữa SKTT với các yếu tố tâm lý, yếu tố xã hội và yếu tố môi trường sống.

Đóng góp về mặt thực tiễn

       Về thực tiễn, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được thực trạng cảm nhận hạnh phúc, mức độ stress, trầm cảm, lo âu của trẻ em mồ côi tại thành phố Hồ Chí Minh; Làm rõ mức độ tác động của các yếu tố tâm lý cá nhân (tự tin, cô đơn, bi quan, mặc cảm), tâm lý xã hội (kỳ thị, hỗ trợ xã hội, áp lực học tập), yếu tố môi trường sống (cơ sở vật chất, điều kiện học tập, vui chơi, quy định/ nôi quy, sự chăm sóc của người nuôi dưỡng, mối quan hệ anh/chị/em) đến SKTT của trẻ mồ côi tại thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua đó đưa ra những kiến nghị nhằm chăm sóc SKTT cho trẻ em mồ côi tại thành phố Hồ Chí Minh.

       Kết quả nghiên cứu thực tiễn là cơ sở để Sở Lao động- Thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm bảo trợ, Làng SOS, đội ngũ cán bộ chăm sóc và những gia đình có người thân là trẻ em mồ côi đang sống trong các Trung tâm bảo trợ tham khảo, từ đó có những giải pháp để chăm sóc SKTT cho trẻ tốt hơn.

      Ý nghĩa về mặt lý luận: Nghiên cứu góp phần làm phong phú thêm những vấn đề lý luận về SKTT của trẻ em, đặc biệt nhóm trẻ dễ bị tổn thương là trẻ em mồ côi. Chỉ ra những mặt biểu hiện tích cực, tiêu cực của SKTT cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến SKTT của trẻ em mồ côi.

      Ý nghĩa về mặt thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh trong công tác quản lý các Trung tâm bảo trợ, Làng SOS nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.

       Luận án cũng là tài liệu tham khảo cho cán bộ quản lý tại các Trung tâm bảo trợ, Làng SOS nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.

       Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo cho những gia đình có người thân là trẻ em mồ côi đang sống trong trung tâm bảo trợ xã hội.

       Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học có cùng hướng nghiên cứu.

       Đồng thời nghiên cứu cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, các cấp quản lý, trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ về tầm quan trọng của SKTT đối với trẻ em mồ côi.

    Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

 

Tin: Võ Thương

Ảnh: Võ Thương