Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học “Góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay”

Ngày đăng: 05/06/2024 | Lượt xem: 757

       Ngày 04 tháng 6 năm 2024, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Lê Thị Dung đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học; Chuyên ngành: Luật Kinh tế; Mã số: 9 38 01 07; Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và TS. Nguyễn Thanh Lý.

 

 

NCS. Lê Thị Dung chụp ảnh lưu niệm cùng hội đồng

Mục đích nghiên cứu:

       Về mặt lý thuyết, luận án sẽ nghiên cứu, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành về việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thông qua đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện tại. Luận án sẽ làm rõ các vấn đề về lý thuyết liên quan đến việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, thông qua việc nghiên cứu các khái niệm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào Việt Nam. Về mặt thực tiễn, luận án sẽ có giá trị tư liệu hướng dẫn thực tiễn, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giúp các nhà đầu tư thực hiện giao dịch góp vốn an toàn, hiệu quả.                       

Đóng góp mới của luận án

       Luận án đã có những tổng hợp nghiên cứu về góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài từ nhiều góc độ. Đưa ra những định nghĩa khoa học, chính xác về góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, làm rõ những đặc điểm pháp lý và sự phân biệt đối với hoạt động góp vốn của nhà đầu tư trong nước. Luận án đã cung cấp góc nhìn chuyên sâu về góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài dưới góc độ pháp lý, góp phần vào việc nghiên cứu khoa học và thực tiễn áp dung pháp luật. Đây là một nghiên cứu có chiều sâu và có giá trị khoa học. Với nội dung trình bày chặt chẽ, logic, luận án đã cung cấp một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài dưới góc độ pháp lý. Đây cũng là một nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư hay doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến hoạt động góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.              

Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

       Ý nghĩa lý luận: Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành về góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài đã có nhiều thay đổi so với Luật Đầu tư 2014, điều này cho thấy rằng Nhà nước rất chú trọng, quan tâm đến các quy định pháp luật và việc quản lý thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn kinh tế mới. Học thuyết pháp lý về đầu tư nước ngoài sẽ được mở rộng hơn, mang đến lượng kiến thức và kinh nghiệm cho các quốc gia khác tham khảo trong quá trình thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

       Ý nghĩa thực tiễn: Nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp một nền kinh tế thiếu hụt vốn, mở rộng kênh tài chính để tăng trưởng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Điều này cho thấy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào Việt Nam chính là góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.              

   Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.                                                                                                         

 

Tin: Minh Nguyệt