Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Kinh tế Chính trị “Vấn đề sở hữu đối với hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam”

Ngày đăng: 22/04/2024 | Lượt xem: 266

      Ngày 19 tháng 4 năm 2024, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Ngô Quang Thành đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Kinh tế quốc tế; Chuyên ngành: Kinh tế Chính trị; Mã số: 9 31 01 02; Người hướng dẫn khoa học: TS. Phí Vĩnh Tường Và TS. Đinh Quang Ty.

 

NCS. Ngô Quang Thành chụp ảnh lưu niệm

Mục đích nghiên cứu:

       Phân tích ảnh hưởng của quan hệ sở hữu đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam; từ đó đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong bối cảnh mới.

Đóng góp mới của luận án

       Thứ nhất, làm rõ thêm kênh ảnh hưởng của quan hệ sở hữu đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất, đó là: (1) quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp thông qua vai trò là điều kiện cho các yếu tố thuộc về lực lượng sản xuất hoạt động trong quá trình tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng, và (2) với tư cách là môi trường cho sự phát triển của sự sản xuất, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất thông qua lực lượng sản xuất mà ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, hiệu quả kinh tế; Thứ hai, sử dụng đồng thời nhiều chỉ số đánh giá hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất; Thứ ba, vận dụng mô hình kinh tế lượng đánh giá ảnh hưởng của quan hệ sở hữu đến hiệu quả kinh tế vào trường hợp của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam; đồng thời, đánh giá thêm ảnh hưởng của quan hệ sở hữu trong mối quan hệ với lực lượng sản xuất đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Quan hệ sở hữu được nghiên cứu dưới hai góc độ: (1) các hình thức sở hữu của doanh nghiệp, và (2) cấu trúc sở hữu trong doanh nghiệp nhất định; Thứ tư, đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ý nghĩa về khoa học và thực tiễn của luận án:

 Về mặt lý luận

     Thứ nhất, hoàn thiện thêm cơ sở lý luận và thực tiễn, làm rõ nội hàm của ảnh hưởng của quan hệ sở hữu đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất; cung cấp cơ sở thực chứng cho việc xây dựng mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của quan hệ sở hữu đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam; Thứ hai, bằng việc xây dựng khung nghiên cứu, luận án đã bổ sung khuôn khổ nghiên cứu về ảnh hưởng của quan hệ sở hữu đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Khung nghiên cứu này có thể được mở rộng cho các nghiên cứu liên quan; Thứ ba, cập nhật mô hình kinh tế lượng đánh giá mức độ ảnh hưởng của quan hệ sở hữu đến hiệu quả kinh tế vào bối cảnh của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đặc biệt trong mối quan hệ với lực lượng sản xuất.

Về mặt thực tiễn

     Thứ nhất, sử dụng các số liệu điều tra tin cậy có tính đại diện quốc gia của Tổng cục Thống kê, luận án đã phác họa bức tranh tổng thể về hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, giúp các nhà lý luận, các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận rõ nét hơn về hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam; Thứ hai, sử dụng phân tích hồi quy kinh tế lượng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của quan hệ sở hữu đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong mối liên hệ với lực lượng sản xuất. Kết quả của nghiên cứu này có thể tạo cảm hứng cho những nghiên cứu tiếp theo về sở hữu và hiệu quả của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.

    Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

 

Tin: Minh Nguyệt

Ảnh: Minh Nguyệt