Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Kinh tế “Quản lý dịch vụ công phục vụ ngư nghiệp khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam”

Ngày đăng: 06/06/2023 | Lượt xem: 224

       Ngày 06 tháng 06 năm 2023, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Nguyễn Danh Nam đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Kinh tế; Chuyên ngành: Quản lý kinh tế; Mã số: 9 34 04 10; Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng và TS. Hoàng Đình Minh.

 

Toàn cảnh hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của NCS. Nguyễn Danh Nam

Mục đích nghiên cứu:

       Luận án phân tích, đánh giá thực trạng quản lý dịch vụ công phục vụ như nghiệp (DVCPVNN) khu vực duyên hải và hải đảo giai đoạn 2016-2021; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Đóng góp mới về khoa học của luận án:

Về mặt lý luận

       Luận án đã khái quát hoá và làm rõ nét hơn các vấn đề về lý luận xung quanh quản lý DVCPVNN cũng như mối quan hệ giữa chủ thể quản lý DVCPVNN theo cách tiếp cận chức năng và nội dung quản lý.

       Luận án đã xây dựng hệ thống 05 tiêu chí và xác định được 2 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến quản lý DVCPVNN. Việc sử dụng các tiêu chí đánh giá và các nhóm yếu tố ảnh hưởng sẽ giúp ích cho việc đo lường các kết quả thực hiện quản lý DVCPVNN được rõ ràng, cụ thể hơn và phù hợp với thực tế để từ đó làm cơ sở đánh giá thực trạng và đưa ra kết luận về kết quả của quá trình quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam.

Về mặt thực tiễn

       Là một công trình nghiên cứu mới, toàn diện mang tính hệ thống về quản lý DVCPVNN. Luận án đã đúc kết được một số bài học kinh nghiệm về quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam thông qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý DVCPVNN tại một số quốc gia trên thế giới.

       Luận án đánh giá được thực trạng nội dung quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo tại Việt Nam thông qua hệ thống 05 tiêu chí đánh giá. Bằng kết quả khảo sát và quá trình phân tích định lượng mô hình Kano - IPA đối với hệ thống các tiêu chí đánh giá, luận án đã nhận thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa việc đưa ra chính sách với việc tổ chức thực hiện các chính sách quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam. Ngoài ra, luận án đã phân tích 2 nhóm yếu tố ảnh hưởng tới quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo tại Việt Nam. Từ kết quả có được, luận án đã tìm ra được một số thành tựu đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế đó trong hoạt động quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam.

      Luận án dựa trên cơ sở các kết quả từ quá trình nghiên cứu thực trạng và những nguyên nhân của hạn chế trong hoạt động quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam để đề xuất những quan điểm, định hướng và một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam đến năm 2030; Các giải pháp của luận án có tính khả thi cao và đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.

      Luận án cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực ngư nghiệp tham khảo trong việc ban hành các chính sách quản lý DVCPVNN khu vực duyên hải và hải đảo Việt Nam. Ngoài ra, luận án còn là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho công tác nghiên cứu, giảng dạy các chuyên ngành, lĩnh vực có liên quan tại các trường đại học, học viện.

    Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

 

Tin: Minh Nguyệt