Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn hóa học “Bản sắc văn hóa tộc người qua hoạt động trình diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”

Ngày đăng: 06/06/2023 | Lượt xem: 240

       Ngày 31 tháng 5 năm 2023, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh  Xuân, Hà Nội, NCS. An Thu Trà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn hóa học; Mã số: 9.22.90.40;  Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Lê Hồng Lý.

 

Toàn cảnh Hội đồng.

 Mục đích nghiên cứu của luận án.

       Luận án nghiên cứu các hoạt động trình diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) nhằm chỉ rõ việc tạo dựng bản sắc tộc người là một quá trình phức hợp thông qua những lăng kính khác nhau, từ sự thương thảo của các bên tham gia đến tính chính trị của bảo tàng. 

Những đóng góp mới của luận án.

       Luận án nghiên cứu về vấn đề tạo dựng bản sắc văn hóa tộc người trong một bảo tàng vừa mới hình thành sau Đổi mới qua hoạt động trình diễn từ  cách tiếp cận quan điểm tạo dựng bản sắc và tính chính trị của Bảo tàng. Sự phân tích, diễn giải các hoạt động trình diễn cụ thể tại Bảo tàng DTHVN sẽ đóng góp về mặt tư liệu trong nghiên cứu về vấn đề tạo dựng bản sắc văn hóa tộc người.

        Luận án góp phần vào tranh luận học thuật về tính chính trị của việc tạo dựng bản sắc văn hóa tộc người. Từ lăng kính tiếp cận chính trị của tạo dựng bản sắc, luận án làm rõ vai trò của Bảo tàng, chính quyền địa phương, cộng đồng tác động đến việc tái hiện bản sắc văn hóa tộc người thông qua phân tích sự thương thảo trong lựa chọn nội dung và hình thức trình diễn.

       Luận án chỉ ra rằng Bảo tàng DTHVN là một kênh chuyển tải thông tin, một công cụ để thể hiện bản sắc văn hóa tộc người không chỉ đơn thuần là việc thực hiện nhiệm vụ như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, mà là một quá trình thương thảo của nhiều bên như: nhà nghiên cứu, cộng đồng, chính quyền địa phương trong những điều kiện, bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể. Qua đây, luận án cung cấp thêm một góc nhìn về bản chất của việc tạo dựng bản sắc văn hóa tộc người phụ thuộc nhiều vào các bối cảnh và các bên tham gia để vừa thực hiện nhiệm vụ của một bảo tàng cấp quốc gia, vừa gần gũi với công chúng, lại thể hiện tiếng nói của chủ thể văn hóa.

Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án.

        Ý nghĩa về mặt lý luận: Bản sắc văn hóa luôn biến đổi và việc tạo dựng bản sắc văn hóa tộc người là quá trình thương thảo có sự tham gia của các bên. Luận án góp phần đóng góp trong nghiên cứu về tính chính trị của việc tạo dựng bản sắc thông qua việc tái hiện và hoạt động trình diễn văn hóa tại bảo tàng.

      Ý nghĩa về thực tiễn: Một số kết quả của đề tài là những gợi ý, cơ sở khoa học cho việc tổ chức các hoạt động trưng bày, trình diễn của bảo tàng. Những kết quả này hỗ trợ tư vấn cho những hoạt động thực hiện triển khai chủ trương của Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc tộc người qua các hoạt động văn hóa.

   Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

 

Tin: Võ Thương

Ảnh: Võ Thương