Đào tạo Tiến sĩ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Chính sách công “Chính sách phát triển bền vững làng nghề truyền thống từ thực tiễn Vùng Đồng bằng sông Hồng”

Ngày đăng: 31/03/2023 | Lượt xem: 229

Ngày 30 tháng 3 năm 2023, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, NCS. Trần Kim Bá đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Chính sách công; Chuyên ngành: Chính sách công; Mã số: 9 34 04 02; Người hướng dẫn khoa học: TS. Vũ Trọng Bình và TS. Hoàng Vũ Quang.

 

NCS. Trần Kim Bá chụp ảnh lưu niệm

Mục đích nghiên cứu:

Trên cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng chính sách phát triển bền vững làng nghề truyền thống từ thực tiễn Vùng đồng bằng sông Hồng, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển bền vững làng nghề truyền thống ở Vùng đồng bằng sông Hồng.

Đóng góp mới về khoa học của luận án:

Kết quả nghiên cứu của luận án là quá trình vận dụng các chủ trương, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn, kế thừa các thành tựu khoa học của các nhà khoa học, các tác giả, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách công nói chung và chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách phát triển làng nghề truyền thống... nói riêng. Bên cạnh sự vận dụng linh hoạt đó, luận án có những đóng góp mới như sau:

Thứ nhất, làm rõ hơn một bước cơ sở lý luận về chính sách phát triển bền vững làng nghề truyền thống như: khái niệm, mục tiêu, nội dung các bên liên quan của chính sách phát triển làng nghề truyền thống; làm rõ các tiêu chí đánh giá chính sách và các yếu tố ảnh hướng đến triển khai chính sách phát triển làng nghề truyền thống. Thông qua đây hinh thành nền tảng lý luận để nghiên cứu sinh tiếp tục nghiên cứu thực trạng, đánh giá điểm chênh nội dung chính sách và thực tế vận dụng chính sách.

Thứ hai, phân tích và làm rõ thực trạng chính sáchphát triển bền vững làng nghề truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng qua: Nghiên cứu thực trạng làng nghề truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng trên các phương diện khác nhau từ số lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề… Nghiên cứu các chính sách phát triển bền vững làng nghề truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng. Phân tích, làm rõ những mặt đã đạt được cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế từ đó kiến nghị các biện pháp nhằmphát triển bền vững làng nghề truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Thứ ba, làm rõ định hướng kết hợp những hạn chế được rút ra qua nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm của các Vùng kinh tế, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sáchphát triển bền vững làng nghề truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Ý nghĩa của luận án:

Về ý nghĩa lý luận, phân tích sự vận hành và biến đổi của chính sáchphát triển bền vững làng nghề truyền thống trong thời gian qua dưới góc độ chính sách công. Bên cạnh đó, việc vận dụng các lý thuyết về chính sách công nhằm tìm hiểu tính phổ biến, độ tin cậy và khả năng áp dụng các lý thuyết này vào thực tiễn nghiên cứu chính sách công, cụ thể là chính sáchphát triển bền vững làng nghề truyền thống ở Vùng đồng bằng sông Hồng.

Về ý nghĩa thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp luận cứ khoa học cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển bền vững làng nghề truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng trong điều kiện, bối cảnh của kinh tế - xã hội hiện nay, là cơ sở cho việc tạo lập các hướng nghiên cứu khoa học và triển khai trong thực tiễn, qua đó góp phần xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững trong thời gian tới.

Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.

Tin: Minh Nguyệt

Ảnh: Mai Hoa

In bài viết