Ngày đăng: 21/06/2019 | Lượt xem: 1700 Ngày 14/6/2019, tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Liên chi hội nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã long trọng tổ chức hội thảo khoa học “Các tạp chí Khoa học xã hội và công tác xuất bản trong Cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế” Hội thảo vinh dự được đón tiếp PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Viện Hàn lâm; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, cùng sự hiện diện của các Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, các lãnh đạo viện, biên tập viên, trị sự của 34 tạp chí; Đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, Văn phòng, trực thuộc Viện Hàn lâm… PGS.TS. Bùi Nhật Quang phát biểu tại Hội thảo Thay mặt Liên chi hội nhà báo Viện Hàn lâm, GS.TS. Phạm Văn Đức đã nhiệt liệt chào mặt sự có mặt của toàn thể đại biểu; Chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công tới các đồng chí hiện đang làm công tác báo chí tại các Tạp chí và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2019. Đồng thời, ghi nhận những thành quả mà các đơn vị báo chí của Viện Hàn lâm đã và đang làm được trong thời gian qua, nhận định những khó khăn, rào cản mà các đơn vị báo chí trực thuộc Viện đang phải đối mặt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN.4.0) và hội nhập quốc tế. Qua đó, khuyến nghị các tạp chí trao đổi sâu về các vấn đề mà đơn vị mình đang cần phải giải quyết trong giai đoạn hội nhập, tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành để phát triển tạp chí và công tác xuất bản hiện nay… GS.TS. Phạm Văn Đức phát biểu tại Hội thảo Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang đã đánh giá cao ý nghĩa chủ đề Hội thảo, khẳng định tầm quan trọng của việc nhận diện, đánh giá những tác động, ảnh hưởng, tầm nhìn và thách thức… của cuộc CMCN.4.0 trong hoạt động báo chí, tạp chí và xuất bản của Viện Hàn lâm và cho rằng kết quả của hội thảo sẽ góp phần xác định rõ phương hướng mà các đơn vị cần bám sát trong giai đoạn trước mắt, trung và dài hạn trên cả hai nhánh công tác là tạp chí và xuất bản. Theo đó, khác với các hội thảo thường niên trước đây vốn thường chỉ quan tâm đến các vấn đề về công tác tổ chức, nghiệp vụ biên tập, trị sự, định hướng nâng cao chất lượng tin bài (nhất là các bài đăng quốc tế), hay các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng bá và phát hành. Hội thảo năm nay, Liên chi hội nhà báo Viện Hàn lâm một mặt chú ý tới việc sơ kết chặng đường 5 năm đổi mới, nâng cấp khối tạp chí theo chuẩn quốc tế. Mặt khác, quan trọng hơn, tập trung xác định vị thế, vai trò, đặc điểm, cơ hội, thách thức và định hướng, giải pháp phát triển Khối tạp chí khoa học xã hội – nhân văn và công tác xuất bản trong giai đoạn CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế. Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Viện Hàn lâm, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học, hiện có 5 nhóm giải pháp khả thi mà hai nhánh công tác là tạp chí và xuất bản cần tập trung hướng tới đó là: (1). Tăng cường nhận thức mục tiêu tương tác của khối tạp chí và công tác xuất bản trong giai đoạn CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế là gắn kết, là điều kiện tất yếu, tồn tại trong nhau; (2). Các đơn vị tạp chí và xuất bản cần từng bước chủ động chuẩn bị hành trang tri thức về chuyên ngành, cách thức bồi dưỡng biên tập viên… đáp ứng được các yêu cầu về năng lực, khả năng, kỹ năng làm chủ CNTT để làm tốt vai trò của mình trong các hoạt động, nhiệm vụ báo chí; (3). Tăng cường tiếp nhận các chiều tri thức mới, tiếp nhận phản biện để góp phần xây dựng, kiến tạo, dự báo, tư vấn đường lối, chính sách phù hợp với điều kiện đất nước và mối quan tâm chung của cộng đồng về lĩnh vực khoa học và nhân văn; (4). Tăng cường đặc tính “hàn lâm” của khối tạp chí và xuất bản trên tất cả các hệ thống lý thuyết, phương pháp, mục đích, đối tượng… xứng đáng trở thành điểm tựa cho hoạt động nghiên cứu hàn lâm, sản phẩm khoa học hàn lâm mang tầm vóc khu vực và quốc tế; (5). Sớm xác định lộ trình, chương trình, kế hoạch tầm “đón đợi” cho mục tiêu tương tác CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế… PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn phát biểu tại Hội thảo Đề xuất giải pháp thay đổi cho các tạp chí giấy của Viện Hàn lâm, PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học cho rằng: hầu hết các tạp chí của Viện Hàn lâm đều in giấy đen trắng, các biểu đồ, hình ảnh khó nhìn, hình thức trình bày đơn điệu, số lượng phát hành ít, không tiện dung, rất khó để tra cứu… Vì vậy, các tạp chí cần xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi sang tạp chí số; Cần đầu tư thí điểm cho một hoặc một số tạp chí để chuyển đổi nhằm đánh giá được tính hiệu quả của tạp chí số hoặc kết hợp tạp chí in và tạp chí số. Bên cạnh đó, cần phát triển các tạp chí tiếng Anh nhằm mục đích trao đổi học thuật với các nhà khoa học và nhân dân thế giới. PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi tham luận tại Hội thảo Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Tổng biên tập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á làm rõ để có một số tạp chí tốt, theo chuẩn quốc tế cần có 3 điều kiện: (i). Số lượng bài gửi dồi dào, có chất lượng tốt, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề của bài báo theo đúng chuẩn quốc tế; (ii). Quy trình vận hành của tạp chí phải chuẩn mực, công tác phản biện tốt, đảm bảo khách quan, hợp lý với vị thế của tạp chí, công tác chế bản đảm bảo hình thức theo thông lệ quốc tế; (iii). Phải có nhiều người trong lĩnh vực chuyên môn đó tiếp cận được… PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung tham luận tại Hội thảo Qua các báo cáo tham luận về thực trạng phát triển hiện nay của các tạp chí, sự tiếp cận, thích ứng, thích nghi, hội nhập và những rào cản có tính khu biệt, đặc trưng tại mỗi đơn vị trước bối cảnh của CMCN 4.0; Những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng và phát triển các tạp chí và công tác xuất bản... đã nêu bật được những nội dung trọng tâm như sau: (1). Vấn đề nâng cao chất lượng tạp chí trong bối cảnh hội nhập quốc tế và CMCN4.0; (2). Chất lượng xuất bản truyền thống và phát triển xuất bản điện tử; (3). Xây dựng cơ sở dữ liệu chung của hệ thống; (4). Nguồn lực, tiềm năng và con người; (5). Các nhóm giải pháp cho khối tạp chí và xuất bản khoa học xã hội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế… Toàn cảnh Hội thảo Tổng kết Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức đã đánh giá cao các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo và khẳng định, với 30 tham luận nhận được, gần 10 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo, nội dung các báo cáo đã tập trung làm rõ được những thách thức đặt ra trong công tác tạp chí và xuất bản trong thời đại CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế trên nhiều phương diện. Qua đó, cho thấy vị thế, chức năng, nhiệm vụ của các tạp chí khoa học xã hội và công tác xuất bản đã và đang ngày càng có vị trí đặc biệt quan trọng đóng góp vào sự phát triển học thuật của nền khoa học nước nhà và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay./. Nguồn: vass.gov.vn In bài viết
Công văn về việc tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới Giới thiệu Tạp chí nhân lực khoa học xã hội Hội thảo Hình thức trình bày Tạp chí theo chuẩn quốc tế Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội Hội thảo: Đổi mới và nâng cấp tạp chí khoa học xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế Hội thảo 90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam “Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” Đại hội Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam