Ngày đăng: 26/06/2015 | Lượt xem: 975 Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, của Ban Chấp hành Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 22/6/2015, tại Đồ Sơn, Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo 90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam với chủ đề “Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc; Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập của các tạp chí chuyên ngành Viện Hàn lâm; Đại diện Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam cùng các cán bộ tạp chí – hội viên các chi hội trực thuộc Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Liên chi hội). Đoàn Chủ tịch điều khiển Hội nghị Vào ngày 21/6/1925, với sự ra đời của báo “Thanh niên” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ đó, ngày 21/6 hàng năm đã trở thành ngày hội của những người đã và đang công tác trên các lĩnh vực báo chí, thông tin và truyền thông, đảm trách sứ mệnh lịch sử vẻ vang trong vai trò của những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Ðảng; góp phần tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Trải qua mọi thời kỳ lịch sử, Báo chí Việt Nam đã và đang thực sự là vũ khí đắc lực cho cuộc cách mạng, góp phần định hướng dư luận, là diễn đàn của nhân dân, tuyên truyền, cổ vũ khối đại đoàn kết dân tộc… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, báo chí đã góp phần phát huy tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cử toạ tham dự Hội nghị Chủ đề Hội thảo năm nay tập trung luận bàn về vấn đề “Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” của người làm công tác báo chí, Hội thảo đã tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến bản lĩnh và trách nhiệm của người làm báo, đặc biệt là những người làm công tác tạp chí trong vai trò vừa là nhà khoa học, vừa là người làm báo. Các báo cáo tham luận được trình bày tại Hội thảo chủ yếu xoay quanh một số mảng như: bản lĩnh chính trị của người làm công tác tạp chí đối với các vấn đề mang tính chính trị nhạy cảm; các kinh nghiệm xây dựng và phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của tạp chí trong bối cảnh hội nhập quốc tế; việc xây dựng các tiêu chí để tạp chí khoa học đáp ứng chuẩn quốc tế; việc xây dựng cơ chế tài chính và tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính cho công tác tạp chí… TS. Lê Mai Thanh - Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật báo cáo tham luận tại Hội nghị Về nội dung bản lĩnh và trách nhiệm của nhà khoa học – nhà báo đối với các vấn đề biển đảo, tôn giáo và quan hệ quốc tế, các ý kiến thảo luận tập trung xoay quanh một số vấn đề như đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ và phát triển, chống cường quyền, bạo quyền, tôn trọng tự do tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật… trong đó, các tham luận đều đề cao trách nhiệm của nhà báo, nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của tạp chí chuyên ngành trong việc truyền tải những thông tin liên quan đến chủ quyền biển đảo, chủ quyền dân tộc, quyền tự do tôn giáo và cung cấp những luận cứ mang tính pháp luật, pháp lý thông qua các minh chứng lịch sử ở trong nước và quốc tế. Với một số tham luận mang tính định hướng (TS. Lê Mai Thanh - Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo; TS. Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc…), các báo cáo đã chứng minh Việt Nam là nước có chiều dài biển lớn, có vị trí đắc địa, vì vậy, những tranh chấp về biển đảo luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây xung đột. Với vai trò xung kích của mình, nhà báo phải cố gắng chuyển tải, nhận diện những căn cứ pháp lý liên quan về vấn đề Biển đông, chủ quyền, liên quan đến những yêu sách của các quốc gia tranh chấp để bàn thảo, từ đó đưa ra những quan điểm mang tính định hướng dư luận. Trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo thường dựa trên cơ sở dữ liệu quốc tế, dữ liệu về án lệ, tuy nhiên họ gặp phải không ít khó khăn khi tiếp cận với các thông tin mang tính chất hiện trạng, để tháo gỡ khó khăn này cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ, ngành chức năng khác trong việc cung cấp thông tin và những minh chứng pháp lý để làm cơ sở cho những nghiên cứu mang tính dài hơi và chuyên sâu liên quan đến các quyết định dưới góc độ tài phán về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, đối với vấn đề chủ quyền biển đảo nói chung. Trong lĩnh vực tự do tôn giáo, các nhà báo, các nhà khoa học cũng luôn thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp của mình trên cả hai phương diện, vừa làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Đảng trong vấn đề tôn giáo; vừa thông qua các kết quả nghiên cứu cơ bản để bảo vệ lẽ phải về quyền tự do tôn giáo. Việc đảm bảo tính chính thống về chính trị cũng được xem là một khía cạnh của bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp của nhà khoa học làm báo. TS. Trần Hồng Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Dân tộc học báo cáo tham luận tại Hội nghị Về nội dung nâng cao chất lượng tạp chí và đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tạp chí, các tham luận chủ yếu bàn thảo về vấn đề chuyên nghiệp hoá trong cách thức, quy trình biên tập; kiểm duyệt tin bài trước khi đăng tải nhằm hướng đến nâng tạp chí phát triển ngang tầm khu vực và hội nhập quốc tế. Qua một số tham luận tại Hội nghị (các diễn giả: TS. Trần Hồng Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Dân tộc học; PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Quyền Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Văn học; Nhà báo Nguyễn Thị Sự, Phó Trưởng ban Tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam), các diễn giả đều cho rằng mỗi nhà báo cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng mới đáp ứng được công việc biên tập viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; ngoài am hiểu về chuyên môn, các biên tập viên phải am tường về khoa học để có thể có tiếng nói phản biện kịp thời, hợp lý, có những định hướng rõ ràng, sáng suốt trong quy trình biên tập bài của cộng tác viên. Nếu tri thức khoa học không đảm bảo thì vấn đề bản lĩnh chính trị cũng không thể đáp ứng được trong khâu xử lý và biên tập bài. Để nâng cao chất lượng, mỗi tạp chí cần có Hội đồng xét duyệt để trao tặng trong năm cho những ấn phẩm xuất sắc; chuyển chú, dịch thuật để đăng tải ấn phẩm bằng tiếng Anh nhằm quảng bá các kết quả nghiên cứu ra với bạn đọc thế giới. Nhà báo Nguyễn Thị Sự, Phó Trưởng ban Tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam báo cáo tham luận tại Hội nghị Vấn đề nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo được xem là đóng vai trò quan trọng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Với tư cách là Biên tập viên bản tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thị Sự trong phát biểu của mình đã nhấn mạnh: phải xác định nhiệm vụ của người làm báo là không chỉ tuyên truyền chính sách mà còn góp phần xây dựng chính sách của Nhà nước, vì vậy, trước mỗi thông tin, nhà báo phải chú ý đến tính hai mặt và liều lượng của thông tin, trong đó đặc biệt cẩn trọng đối với những thông tin có nguy cơ gây tổn hại đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; người làm báo không im lặng, né tránh trước nững vấn đề tiêu cực và nhạy cảm; không chạy theo những thông tin tiêu cực, giật gân, xâm phạm đến đời tư, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc… Trước những thông tin có tính chất nghiêm trọng, không sa đà vào miêu tả gây kích động, không kích thích sự tò mò, hiếu kỳ của người đọc mà phải phân tích rõ nguyên nhân, cảnh báo những biện pháp phòng tránh…. Khi đưa thông tin tiêu cực, cần phản ánh với tinh thần xây dựng, không chỉ phê phán, đấu tranh mà còn phải chú ý đến các giải pháp nhằm góp phần ổn định chính trị, xã hội. Đối với những thông tin nhạy cảm liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp ở biển Đông; liên quan đến dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… người làm báo không được né tránh mà phải có trách nhiệm thể hiện rõ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Về phương diện đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, phải được thể hiện rõ trong việc đề cao tính chính xác, chính thống của thông tin; thông tin phải trung thực, chuẩn xác, khách quan; phải được thẩm định trước khi đăng tải. Việc kiểm chứng thông tin khiến tính thời sự bị hạn chế, và thông tin đi sau thường mất đi khả năng định hướng dư luận, vì vậy, để người làm báo có thể tiếp cận thông tin nhanh và chính xác, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan, cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời, có như vậy mới phát huy được vai trò chủ đạo, định hướng của báo chí chính thống trên mặt trận thông tin, ngăn chặn dụng ý xấu gây bất ổn và hoang mang trong dư luận. Cần có sự thự hiện nghiêm minh vấn đề bản quyền tác giả và thực hiện nghiêm kỷ luật thông tin. Để nâng cao bản lĩnh chính trị của nhà báo, trước hết phụ thuộc vào chính đạo đức của nhà báo, bên cạnh đó, cũng cần có sự vào cuộc của các tổ chức hữu quan, những hàng rào luật pháp, những hành lang pháp lý để bảo vệ người làm báo. Với tư cách là người đại diện cho cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thị Sự đề nghị cần có sự kết nối sâu rộng hơn nữa giữa Thông tấn xã với các Tạp chí chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm để có thể phản ánh sâu rộng hơn các kết quả nghiên cứu; các điểm nóng chính trị, xã hội; các điểm mới của kết quả nghiên cứu khoa học… để phổ biến rộng rãi với công chúng. Các cử toạ thảo luận tại Hội nghị Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến tham luận, phát biểu tổng kết và chỉ đạo tại Hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Liên chi hội nhiệm kỳ 2015-2020 nhấn mạnh một số vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng của các tạp chí, như: (1) bồi dưỡng năng lực về khoa học xã hội và nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ biên tập viên, đặc biệt là biên tập viên trẻ; (2) cần củng cố lại Hội đồng Biên tập theo hướng lựa chọn những người có khả năng giúp lựa chọn, thẩm định, phản biện bài viết một cách hiệu quả nhất; (3) củng cố và hoàn thiện quy trình làm việc, có chính sách đãi ngộ đối với hội đồng biên tập; (4) cần cải tổ quy chế chi tiêu nội bộ dành cho công tác tạp chí để điều chỉnh thỏa đáng mức thu nhập cho những người làm công tác biên tập; nên cân nhắc số lượng tạp chí in cho phù hợp với số lượng phát hành, tránh để tình trạng tồn kho, lãng phí; (5) nên có cơ chế trao đổi tạp chí giữa các tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm để vừa góp phần quảng bá tri thức khoa học, vừa có sự gắn kết giữa các tạp chí trong khối Viện Hàn lâm. Các Tạp chí nên tự chủ tổ chức các Hội thảo để học tập kinh nghiệm lẫn nhau; (6) chú trọng kết nối học giả, các nhà nghiên cứu nhằm thu hút các cộng tác viên có uy tín,... và một số vấn đề khác liên quan đến công tác tổ chức và hoạt động của các tạp chí - chi hội, cán bộ làm tạp chí, thành viên hội đồng biên tập - hội viên trong Liên chi hội nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, những ý kiến, bình luận của các đại biểu tham dự đều hướng tới mục đích chung - khẳng định vai trò của những cán bộ làm công tác tạp chí, phát huy bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo - nhà khoa học. Cùng với đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng tạp chí chuyên ngành Viện Hàn lâm trong thời gian tới. Tin: Bích Hạnh, Ảnh: Nguyễn Quân In bài viết Chia sẻ
Công văn về việc tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới Hội thảo “Các tạp chí Khoa học xã hội và công tác xuất bản trong Cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế” Giới thiệu Tạp chí nhân lực khoa học xã hội Hội thảo Hình thức trình bày Tạp chí theo chuẩn quốc tế Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội Hội thảo: Đổi mới và nâng cấp tạp chí khoa học xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế Đại hội Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam